Úc đã tuyên bố sẽ tặng hầu hết xe tăng M1 Abrams đã loại biên cho Ukraine, đáp lại đề nghị mà Kyiv đã đặt ra nhiều tháng qua.
Mỹ đã gửi cho Ukraine 31 xe tăng Abrams vào giữa năm 2023. Cho đến nay hơn một nửa số xe tăng này được cho là đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh, và một chiếc đã trở thành chiến lợi phẩm để Nga mang ra trưng bày tại Moscow.
Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc Pat Conroy ngày 16.10 công bố quyết định chuyển giao xe tăng và nhấn mạnh rằng Úc “cam kết hỗ trợ Ukraine chấm dứt xung đột theo điều kiện mình đặt ra”.
Kyiv sẽ nhận được 49 xe tăng trong số 59 xe tăng M1A1 mà Canberra đã cho loại biên hồi tháng 7 để chuẩn bị nhận 120 xe tăng M1A2 mới.
Sau khi có thông báo loại biên, Đại sứ Ukraine tại Úc Vasily Myroshnychenko đã yêu cầu được nhận lại các xe tăng này. Trước đó, Úc đã quyết định loại bỏ đội trực thăng đa năng Taipan thay vì tặng cho Ukraine, cũng như đã bán đấu giá các phương tiện tuần tra tầm xa cũ.
Tháng 9, Tướng Peter Leahy, cựu tổng tư lệnh quân đội Úc từ năm 2002 đến năm 2008, đã nói với tờ Sydney Morning Herald rằng ông không hiểu tại sao Úc không gửi xe tăng Abrams loại biên cho Ukraine.
Vào thời điểm đó, ông cho biết: “Mặc dù đã được loại biên, đó vẫn là những chiếc xe tăng còn rất tốt, chắc là vẫn được bảo dưỡng tốt, có sẵn phụ tùng thay thế và người Ukraine rất muốn có”.
Theo tờ Herald, những chiếc xe tăng này chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu, nhưng “đang gần đến cuối vòng đời hoạt động”. Một số xe sẽ cần được sửa chữa trước khi được vận chuyển đến Ukraine, và một số sẽ được tháo rời để lấy phụ tùng thay thế.
Ngoài xe tăng M1 Abrams đã nhận được từ Mỹ, Ukraine cũng đã được các đồng minh viện trợ nhiều xe tăng Leopard do Đức sản xuất, trong khi Anh đã gửi khoảng 10 chiếc Challenger 2.
Tuy nhiên, các loại xe tăng đều dễ dàng trở thành mục tiêu cho máy bay không người lái và đạn pháo dẫn đường trong cuộc xung đột ở Ukraine, khó lòng tạo ra “bước ngoặt” như mong đợi. Những xe bị hư hỏng phải được gửi đến Ba Lan để sửa chữa.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc họ cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài cuộc giao tranh mà không ảnh hưởng đến kết quả, cũng như có nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp.
Phương Tây thì nhấn mạnh việc cung cấp cho Kyiv vũ khí, đạn dược, thiết bị và thông tin tình báo cũng không thể biến các nước này thành một bên trong cuộc xung đột.
Bình luận (0)