Các công ty khởi nghiệp ở Ukraine đang phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển máy bay không người lái (UAV), trên đường đua giành lợi thế công nghệ trong cuộc xung đột với Nga.
Kyiv hy vọng UAV có tích hợp AI sẽ chống lại tình trạng gây nhiễu tín hiệu ngày càng tăng của Nga trên chiến trường.
AI cũng cho phép các máy bay hoạt động theo nhóm lớn hơn.
Tiến bộ từ AI sẽ giúp UAV xác định mục tiêu, lao UAV vào mục tiêu, dẫn hướng và các chương trình phức tạp hơn bao gồm các nhóm UAV "bầy đàn" được kết nối với nhau.
Swarmer là một trong nhiều công ty công nghệ phát triển phần mềm liên kết một số lượng lớn UAV vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Chỉ cần được bật đèn xanh, các UAV có thể hành động theo nhóm ngay lập tức.
Giám đốc điều hành của Swarmer Serhiy Kupriienko cho biết: "Bạn có 25 UAV đang tiếp cận vị trí của mình. Bạn chỉ cần bắn trúng tất cả. Nghe thì đơn giản. Nhưng nó sẽ phức tạp hơn nhiều khi bạn bắn trúng chiếc UAV đầu tiên và các UAV khác thay đổi ngay quỹ đạo và tấn công bạn từ các phía khác nhau. Tấn công bầy đàn do đó vừa mạnh mẽ vừa đáng sợ. Và đó là lý do tại sao mọi học thuyết quân sự hiện đại của phương Tây đều đưa tấn công bầy đàn vào kế hoạch hoặc chiến lược cho nhiều thập niên tới".
Phần mềm có tên Styx, điều khiển một mạng lưới UAV trinh sát và tấn công trên không và trên mặt đất.
Loại UAV này vẫn đang được phát triển và mới chỉ được thử nghiệm trên chiến trường.
Ông Yaryk, nhân viên công ty Swarmer, cho biết: "UAV hiện bay ở chế độ lái tự động bằng phần mềm của chúng tôi. Chúng tôi đã giao cho nó một nhiệm vụ và nó đã thiết lập đường bay riêng, chúng tôi chỉ hướng dẫn nó không nên bay qua một số khu vực nhất định, chúng tôi đã đặt cho nó một vùng cấm bay. Giờ nó đang bay dọc theo những khu vực hạn chế".
Khi cả hai bên triển khai chiến tranh điện tử làm gián đoạn tín hiệu giữa phi công và máy bay không người lái, tỷ lệ trúng đích của UAV không tích hợp AI đang giảm dần.
Một số cuộc tấn công bằng UAV tầm xa của Ukraine nhằm vào các cơ sở quân sự và nhà máy lọc dầu nằm sâu hàng trăm km bên trong lãnh thổ Nga đã sử dụng phương pháp tấn công dồn dập.
Tuy nhiên, có những lo ngại về mặt đạo đức đối với việc sử dụng vũ khí không do con người vận hành.
Một bài báo nghiên cứu của Nghị viện Châu Âu năm 2020 đã cảnh báo rằng những hệ thống như vậy có thể vi phạm luật nhân đạo quốc tế và làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Bình luận (0)