Chiều qua (12.9), tờ The New York Times dẫn thông tin từ quân đội Ukraine cùng ngày cho hay họ đã có thêm sức mạnh chống lại các lực lượng Nga. Điều này cho thấy các cuộc tấn công của Kyiv ở phía đông bắc của Ukraine nhằm vào quân đội Nga vẫn tiếp diễn.
Từ tái chiếm
Như thế, sau loạt tấn công bất ngờ từ cuối tuần qua, Kyiv đã chiếm lại hàng ngàn ki lô mét vuông lãnh thổ, và tuyên bố đã tiến vào thêm 20 thị trấn và làng mạc của Ukraine trong 24 giờ tính từ ngày 11.9. Về các tuyên bố vừa nêu, Moscow không đưa ra phản hồi. Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, Ukraine đã gây ra thất bại lớn cho Nga và giành lại gần như toàn bộ tỉnh Kharkiv trong cuộc phản công thần tốc.
Xem nhanh: Ngày 201 chiến dịch quân sự, Nga 'cắt điện' khắp Ukraine sau bước lùi ở Kharkiv |
Đáp trả lại, theo các quan chức Ukraine và Mỹ, Nga đã tấn công bằng tên lửa tầm xa và tiến hành không kích. Ngày 11.9, Moscow đã tấn công các cơ sở hạ tầng ở Kharkiv, khiến nhiều thường dân không có điện và nước. Tuy nhiên, Hãng tin Ukrinform đưa tin các dịch vụ đã được khôi phục gần hết vào sáng thứ hai.
Hình ảnh được cho là xe thiết giáp của Nga bị bỏ lại tại Kharkiv |
Reuters |
Bộ Quốc phòng Nga ngày 11.9 công bố một bản đồ cho thấy các lực lượng của họ đã rút về phía đông sông Oskil, cách thành phố Izium (thuộc tỉnh Kharkiv) khoảng 16 km về phía đông - vốn là một trung tâm hậu cần quan trọng của Moscow mà quân đội Nga phải rút lui vào ngày 10.9. Bản đồ chỉ ra rằng các lực lượng Ukraine đã đánh đuổi quân đội Nga khỏi gần như toàn bộ khu vực Kharkiv.
Mặc dù vậy, các quan chức cấp cao quân đội và chính quyền Mỹ kêu gọi Ukraine thận trọng, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về khả năng của các lực lượng Ukraine trong việc đẩy Nga trở lại các giới tuyến trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2
Kịch bản nào cho Ukraine ?
Trả lời Thanh Niên ngày 12.9, một chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ, là cựu đại tá từng giữ vị trí then chốt về tình báo quân sự của Mỹ tại vùng Balkan, nhận xét: “Ở thời điểm hiện tại, Ukraine có thế chủ động, đạt ưu thế về cả chiến thuật lẫn chính trị. Kyiv đã giành thế chủ động, tái chiếm nhiều vị trí. Ukraine đang chiếm giữ các địa hình và đầu mối giao thông quan trọng để hạn chế khả năng chuyển quân và tiếp tế của Nga ở miền đông Ukraine”.
Theo vị cựu đại tá, quyết định khó khăn nhất lúc này mà các nhà lãnh đạo Ukraine phải đối mặt là xác định thời điểm chuyển sang phòng ngự. Những cơn mưa mùa thu sẽ bắt đầu trong 2 - 3 tuần tới, hạn chế việc di chuyển. Kyiv có thể tiếp tục tấn công ít nhất trong 10 ngày tới để củng cố vị trí của họ và thiết lập một chiến tuyến phòng thủ. Trước khi mưa thu bắt đầu, Ukraine sẽ củng cố các khu vực kiểm soát, rút ngắn chiến tuyến để ngăn chặn hoặc đánh bại bất kỳ cuộc phản công nào của Nga.
“Có lẽ, giới lãnh đạo Ukraine đang thảo luận về các bước tiếp theo. Trong chiến tranh, tại một số thời điểm, sẽ trở nên không khôn ngoan nếu tiếp tục cuộc tấn công vì lực lượng suy giảm sau thời gian dài chiến đấu”, vị chuyên gia phân tích và đánh giá: “Mặc dù vậy, trong bối cảnh quân đội Nga có dấu hiệu xuống tinh thần như các diễn biến mới nhất, Ukraine nhiều khả năng sẽ tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi bị hạn chế do thời tiết”.
“Theo tôi, Ukraine sẽ tiếp tục tấn công xung quanh các thành phố và thị trấn quan trọng. Moscow sẽ dỡ bỏ các cây cầu để hạn chế bước tiến của Kyiv. Vì vậy, dự kiến cuộc tấn công của Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 9 và sang tháng 10 cho đến khi bắt đầu có mưa”, ông dự báo thêm.
Tuy nhiên, ông cũng đánh giá: “Một rủi ro có thể xảy đến khi Kiev tiếp tục tấn công là thương vong tăng lên và nguồn cung cấp đạn dược, quân nhu… bị hạn chế. Những yếu tố có thể khiến người Ukraine gặp khó khăn trong việc giữ vững các khu vực đã tái chiếm được, đồng thời hàm chứa rủi ro về niềm tin của người dân Ukraine nếu tổn thất nhân mạng tăng cao”.
Trong khi đó, theo ông, Moscow có thể sẽ tìm cách đàm phán với Kyiv và phương Tây cũng có thể tác động để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán vì đây là xu hướng của phương Tây. Tuy nhiên, việc đàm phán cũng có thể tạo điều kiện cho Nga củng cố chiến lược.
“Ngoài ra, một ẩn số tác động lên cuộc chiến là Nga có thể đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, trong điều kiện chiến trường hiện tại, khả năng vừa nêu khó diễn ra vì bức xạ của vũ khí hạt nhân có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả Nga lẫn Belarus”, vị chuyên gia đánh giá.
Tình báo Mỹ giúp Ukraine trong cuộc phản công 'đánh lừa' Nga |
Nga thay tư lệnh quân khu sau 17 ngày ?
Trung tướng Roman Berdnikov |
Bộ Quốc phòng Ukraine |
Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 11.9 thông báo Nga đã thay thế vị trí tư lệnh Quân khu miền Tây chỉ sau 17 ngày bổ nhiệm. Theo đó, trung tướng Roman Berdnikov nhường chỗ cho trung tướng Oleksander Lapin để “khôi phục sự ổn định trong quản lý”. Ông Berdnikov chỉ mới được bổ nhiệm vào ngày 26.8. Ukraine cho rằng sự thay đổi nhân sự lãnh đạo lần này có liên quan đến thất bại của lực lượng Nga tại tỉnh Kharkiv của Ukraine gần đây. Phía Nga chưa bình luận gì về thông tin do Ukraine đưa ra.
Vi Trân
Indonesia cân nhắc mua dầu Nga
Tờ Financial Times hôm qua dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay nước này cần xem xét “tất cả các lựa chọn” khi cân nhắc cùng với Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu của Nga để bù đắp chi phí năng lượng tăng cao. Indonesia đã không nhập khẩu lượng dầu đáng kể từ Nga trong nhiều năm qua, nhưng chính quyền của Tổng thống Widodo đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc kiềm chế các chi phí leo thang sau khi buộc phải tăng một số giá nhiên liệu lên tới 30% trong tháng này. Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno hồi tháng trước cho hay Moscow đã đề nghị bán dầu cho Jakarta với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế. Bất kỳ động thái mua dầu Nga với mức giá cao hơn giá trần do các nước G7 đặt ra có thể khiến Indonesia dễ gặp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, theo Financial Times.
Văn Khoa
Bình luận (0)