Ùn tắc, ô nhiễm 'cản bước' Hà Nội

17/04/2024 08:51 GMT+7

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố 'văn hiến - văn minh - hiện đại'. Thế nhưng, ùn tắc, ô nhiễm đang là những vấn đề dân sinh bức xúc 'cản bước' thành phố…

Quy mô dân số vượt quy hoạch

Nhiều năm trở lại đây, ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội trở thành nỗi ám ảnh của người dân thủ đô khi cứ vào giờ cao điểm, các trục đường huyết mạch thường xuyên lâm cảnh ùn tắc. Còn tại đường Vành đai 3 trên cao, ùn tắc giao thông có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không kể giờ cao điểm, ngày thường hay cuối tuần.

Ùn tắc, ô nhiễm 'cản bước' Hà Nội- Ảnh 1.

Mỗi năm, Hà Nội thiệt hại hàng tỉ USD do ùn tắc giao thông gây ra

KHẮC HIẾU

Trước đó, năm 2021, HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn 2021 - 2025.

Nghị quyết nhấn mạnh việc huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm (từ Vành đai 4 trở vào). Tuy nhiên, dù đã bước sang năm thứ 4 để thực hiện chương trình mục tiêu này, tình trạng ùn tắc giao thông gần như chưa được tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.Hà Nội Bùi Thị An nhìn nhận, việc giao thông Hà Nội ngày càng ùn tắc nghiêm trọng hơn là hệ quả của quá trình thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung 2011) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011.

Bà An cho rằng, quá trình thực hiện Quy hoạch chung 2011 đã có nơi thực hiện không đúng, có nơi để chung cư "mọc như nấm" gây quá tải hạ tầng, gây ra hàng loạt vấn đề dân sinh khác như ùn tắc, ô nhiễm, rác thải… Cạnh đó, việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc di dời trụ sở trụ sở bộ ngành, trường đại học, bệnh viện… ra khỏi nội đô Hà Nội cũng góp phần không nhỏ khiến nội đô quá tải.

Theo định hướng Quy hoạch chung 2011, dự báo dân số toàn TP.Hà Nội đạt ngưỡng tối đa năm 2020 khoảng 7,3 - 7,9 triệu người; đến năm 2030 khoảng 9 - 9,2 triệu người, đến năm 2050 khoảng 10,8 triệu người.

Thế nhưng, số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 1.4.2019, dân số toàn thành phố đã là 8,053 triệu người, vượt mức quy hoạch tối đa so với quy hoạch được duyệt. Hiện tại, dân số đã tăng hơn nữa, ở mức 11 - 11,5 triệu người, chưa kể khách du lịch, khách tạm trú.

Đặc biệt, tại khu vực nội đô lịch sử, dân số đã cao hơn so với khống chế tại Quy hoạch chung 2011 được duyệt. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người nhưng đến năm 2020, quy mô dân số đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

Q.Hoàng Mai là điển hình của việc quy hoạch bị phá vỡ khiến phát sinh hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc. Nói về địa phương này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy hoạch là hơn 300.000 dân nhưng hiện nay đã hơn 600.000 dân nên "đủ mọi thứ khổ". Khổ về trường, khổ về lớp, khổ về giao thông…

Thiệt hại cả tỉ USD mỗi năm do ùn tắc

Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1 - 1,2 tỉ USD/năm. Về mặt xã hội, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng vì ô nhiễm không khí nhiều lần đứng đầu thế giới.

Mỗi năm, Hà Nội thiệt hại cả tỉ USD do ùn tắc giao thông gây ra

Mỗi năm, Hà Nội thiệt hại cả tỉ USD do ùn tắc giao thông gây ra

KHẮC HIẾU

Trong các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội có lý do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, trong đó phương tiện cá nhân tăng 4 - 5%/năm nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp, luôn chới với chạy theo dẫn đến quá tải.

Cạnh đó, việc đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh cũng được nêu ra. Cụ thể, Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285 km, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Tuy nhiên, đến nay, đường Vành đai 4 đang triển khai, dự kiến năm 2027 đưa vào khai thác. Vành đai 3,5 đang triển khai nhưng chưa làm được toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng. Vành đai 2 còn chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Vành đai 1 vẫn chưa hoàn thiện nốt đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục do "nghẽn" ở công tác giải phóng mặt bằng.

Để giảm ùn tắc, Hà Nội đã nghiên cứu 2 đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấm xe máy tại các quận và thu phí ô tô vào nội đô.

Nói về thời điểm áp dụng các đề án, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, khi nào tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của thành phố đạt 30 - 35% thì thành phố mới tính đến khả năng hạn chế phương tiện cá nhân.

Để đạt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, thành phố coi đường sắt đô thị (ĐSĐT) là "xương sống" và đã quy hoạch 10 tuyến đến năm 2030 với tổng chiều dài 417 km; trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Ông Tuấn cho hay, nếu theo tiến độ các dự án đang triển khai thì phải mất 150 năm mới hoàn thành 10 tuyến ĐSĐT theo quy hoạch.

Lo ngại của lãnh đạo Hà Nội là hoàn toàn có căn cứ, bởi theo quy hoạch, hiện Hà Nội mới có 1 tuyến ĐSĐT (tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông) đưa vào vận hành, khai thác sau 10 năm triển khai (xây dựng vào tháng 10.2011, khai thác tháng 11.2021). 1 tuyến ĐSĐT (tuyến số 3, Nhổn - ga Hà Nội) đang triển khai thi công xây dựng dù khởi công từ tháng 9.2010, dự kiến vận hành thương mại đoạn trên cao vào quý 3/2024, còn đoạn ngầm chưa rõ ngày về đích.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, dù Quy hoạch chung 2011 có liệt kê một loạt yêu cầu chung cho công tác xây dựng phát triển ĐSĐT, nhưng trong quy hoạch này chưa đề ra các biện pháp để bảo đảm tính khả thi. Trên thực tế, quá trình đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT Hà Nội có một số khó khăn, vướng mắc lớn.

Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất để thực hiện dự án tốn rất nhiều thời gian và chi phí tăng cao do sau khi quy hoạch giá đất tại vị trí thực hiện dự án và các khu vực lân cận ngày càng tăng.

Cùng với đó, theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến ĐSĐT còn lại đến năm 2045 là khoảng 40 tỉ USD. Đây là con số không hề nhỏ và sẽ gây áp lực lớn đến khả năng cân đối, bố trí vốn.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án kéo dài trung bình từ 12 - 15 năm cho 1 tuyến do các quy định hiện nay, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất thời gian thực hiện từ 4 - 5 năm; giai đoạn thực hiện dự án cần thời gian từ 6 - 7 năm; giai đoạn kết thúc dự án, nghiệm thu, bàn giao, đưa dự án vào vận hành khai thác cần 2 - 3 năm.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.