Trong khi tại nhiều nơi ở ĐBSCL đang vào cao điểm thả nuôi vụ tôm mới, thì nhiều hộ nuôi tôm ở H.Duyên Hải (Trà Vinh) lại thản nhiên bán… đáy ao tôm cho các doanh nghiệp khai thác cát san lấp mặt bằng. Những ruộng tôm nơi đây đang biến thành các hồ sâu, nguy cơ không thể nuôi tôm được nữa.
|
Bán tràn lan
Xã Dân Thành (H.Duyên Hải) đang trở thành đại công trình với những chiếc xáng cạp thi nhau tận vét đáy ao tôm lấy cát. Suốt 7 km chiều dài ven biển, đâu đâu cũng nghe tiếng máy ầm ầm khai thác cát từ những ao tôm. Ông Phan Quốc Ca (ngụ ấp Láng Cháo, xã Dân Thành), nói: “Gia đình tui có 3 ha ao nuôi tôm công nghiệp. Những năm thuận lợi thì kiếm được từ 700 - 800 triệu đồng, tạm đủ sống. Thế nhưng 3 năm gần đây không hiểu sao dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng làm tôm chết tràn lan; có vụ thả đi thả lại 2 - 3 đợt mà tôm vẫn chết khiến người nuôi thua lỗ te tua. Chỉ riêng năm 2012, tui mất trắng hơn 500 triệu đồng vì tôm chết. Thiếu vốn, cộng với nợ nần nên đành bán đáy ao tôm cho các doanh nghiệp lấy cát phục vụ san lấp mặt bằng ở các dự án nhiệt điện Duyên Hải”. Với giá bán cát đáy ao tôm cho các doanh nghiệp khoảng 14.000 đồng/m3, ông Ca dự tính tổng thu gần 1 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với nuôi tôm.
|
Tại ao tôm công nghiệp rộng 7 công của ông Trương Phước An (xã Dân Thành), gần 2 tháng nay, các phương tiện suốt ngày hì hục tận thu cát. Ông An giải thích, để được bán đáy ao tôm cho người ta lấy cát, ông phải chạy ra xã và lên huyện xin phép. Ao tôm đã được múc sâu 1,2 m, số tiền bán cát ban đầu thu về hơn 100 triệu đồng, giúp ông trang trải nợ nần và các khoản chi tiêu cần thiết. “Mấy vụ tôm rồi liên tục bị thất bát dẫn đến nợ nần chồng chất, nên khi nghe tin chính quyền có chủ trương cho phép cải tạo ao tôm, bán cát tôi mừng hết lớn. Thú thật, trước giờ chưa ai cải tạo ao kiểu tận thu cát đáy ao quá sâu như hiện nay. Mục đích cốt yếu cũng vì muốn bán thật nhiều cát để có được nhiều tiền giải quyết nợ nần trước mắt”, ông An nói.
Hậu quả khó lường?
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Duyên Hải, đến nay đã có khoảng 110 hộ dân ở xã Dân Thành được cấp phép tận thu cát theo nhu cầu cải tạo ao tôm. Bình quân mỗi hộ có diện tích ao khoảng 0,7 ha; khối lượng cát tận thu hơn 2 triệu m3. Việc tận thu cát đã giúp nhiều hộ ở xã Dân Thành có tiền trả nợ và tạo nguồn vật liệu san lấp phục vụ dự án nhiệt điện Duyên Hải. Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, cho biết nhu cầu cát san lấp mặt bằng tại các dự án nhiệt điện Duyên Hải là rất lớn và đã có chủ trương sử dụng nguồn cát cải tạo vuông tôm để phục vụ san lấp. Tuy nhiên, những nơi được cho phép cải tạo không nằm trong quy hoạch phát triển rừng; độ sâu tăng thêm không quá 2 m... Quy định là vậy, nhưng thời gian qua có nhiều hộ tận thu cát quá sâu; ngoài ra chưa biết có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không?
Cũng theo lời ông Giới, vừa qua có một số đơn xin cải tạo vùng nuôi tôm, nhưng xã chưa thể đồng ý bởi phần đất dính líu tới rừng; trong khi đó xuất hiện hàng chục phương tiện khai thác cát hoạt động không trình báo, trốn thuế... Trước dư luận cho rằng nhiều người bán cát tiền tỉ nhưng chỉ khai báo vài trăm triệu đồng nhằm trốn thuế tài nguyên, ông Phạm Văn Rê, Chủ tịch UBND H.Duyên Hải, cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc tận thu đáy ao tôm hiện nay. Nếu người dân và doanh nghiệp thực hiện sai quy định thì sẽ chấn chỉnh ngay. Mặt khác, đề nghị cơ quan chuyên môn báo cáo chính xác về những tác động môi trường của việc khai thác cát quá sâu, từ đó có hướng xử lý.
Theo nhiều hộ nuôi tôm chuyên nghiệp ở ĐBSCL, độ sâu nước ao nuôi tôm sú công nghiệp tốt nhất ở khoảng 1,3 - 1,5 m. Dù sau mỗi vụ nuôi cần phải cải tạo ao, nhưng độ sâu đáy tăng thêm chỉ tính bằng cm, vì khả năng bồi lắng trong ao nuôi tôm hầu như không có. Trường hợp các ao tôm được cải tạo quá sâu như ở H.Duyên Hải sẽ khiến việc nuôi tôm trở lại hầu như không thể làm được, chỉ còn cách nuôi cá tra hoặc những loại thủy sản khác.
An Lạc
>> Cải tạo ao nuôi tôm để... bán cát
>> Sử dụng vi sinh thay thế hóa chất trong nuôi tôm
>> Dân nuôi tôm… so bì
Bình luận (0)