Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 25 của Hội Điện quang và y học hạt nhân Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 23 - 24.8 tại TP.Đà Nẵng.
Hội nghị có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của quốc tế và Việt Nam, với 56 bài giảng, 148 bài báo cáo tiêu biểu về ứng dụng điện quang và y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị được trình bày. Dịp này, hội nghị dành phiên hội thảo riêng về AI trong y tế, với những tiến bộ nổi trội trong chẩn đoán hình ảnh.
Thông tin về chẩn đoán hình ảnh trong các chuyên ngành sâu, GS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân Việt Nam, cho biết, bệnh lý về thần kinh như: các bệnh về não, tủy sống và cột sống là rất phổ biến. Với các bệnh lý này, chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng, ví dụ như chụp CT cộng hưởng từ, vì chụp CT cộng hưởng từ cho các hình ảnh chính xác giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và can thiệp điều trị.
Ngoài ra, với bệnh lý tuyến vú, sự phối hợp của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, các bác sĩ điều trị sẽ là một "team" cùng tham gia chẩn đoán, điều trị các bệnh tuyến vú, giúp đưa các phác đồ tối ưu cho người bệnh, đặc biệt có ý nghĩa với ung thư vú.
GS Thông đánh giá, chẩn đoán bệnh tuyến vú, trong đó tầm soát ung thư vú có vai trò hết sức quan trọng của siêu âm và chụp cộng hưởng từ để tầm soát.
Các thiết bị chụp tầm soát phát hiện, đánh giá bệnh lý ung thư vú hiện đã khá phổ biến ở tuyến tỉnh nhưng cần được đưa đến tuyến huyện, tại các trung tâm y tế khu vực, thậm chí nên trang bị đến y tế cơ sở, để tầm soát ung thư đến gần hơn với cộng đồng. "Chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế các tuyến", ông Thông chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thông tin về máy cộng hưởng từ 1.5T SIGNA Champion và máy siêu âm tổng quát LOGIQ Totus. Hiện, đây là các hệ thống máy thông minh nhất được trang bị các công nghệ và trí tuệ nhân tạo, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho các y bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Các hệ thống máy này được ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân tối đa.
Trong đó, máy cộng hưởng từ thiết kế thân thiện, thời gian người bệnh nằm trong máy được rút ngắn với chất lượng hình ảnh chân thực nhất, cho phép ghi lại hình ảnh chính xác với mọi tư thế tự nhiên nhất của bệnh nhân.
Máy siêu âm tổng quát cùng nhiều ứng dụng AI giúp nhận diện tổn thương, hỗ trợ tăng cao hiệu suất thăm khám với quy trình làm việc nhanh gọn, đơn giản mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao.
Theo thông tin từ hội thảo, Tổ chức Y tế thế giới dự báo, đến 2030, toàn cầu thiếu hụt 18 triệu nhân viên y tế. Các hệ thống máy với sự ứng dụng AI sẽ giúp giảm tải cho nhân viên y tế trong công tác chuyên môn và vẫn đảm bảo được sự chính xác trong chẩn đoán, điều trị.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, AI với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh.
Bình luận (0)