Ứng dụng blockchain, bằng tốt nghiệp sẽ không bị làm giả ?

21/07/2020 09:13 GMT+7

Một số trường đại học tại VN bắt đầu triển khai cấp bằng tốt nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain , người dùng có thể quét mã QR cho ra đường dẫn xác thực văn bằng.

Việc cấp bằng kiểu mới này nếu triển khai rộng rãi có thể ngăn chặn được nạn bằng giả?

Những trường đầu tiên thực hiện

Blockchain (hay còn gọi chuỗi khối) là một công nghệ mới phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây, vận hành theo nguyên tắc phân cấp lưu trữ thông tin theo khối. Các khối thông tin trong mạng lưới được mã hóa, gán nhãn thời gian và xâu chuỗi chặt chẽ với nhau, khiến cho dữ liệu một khi đã được chấp nhận sẽ không thể thay đổi. Ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, văn bằng tốt nghiệp cấp phát theo công nghệ chuỗi khối sẽ đảm bảo tính xác thực, duy nhất và an toàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu và xác nhận văn bằng một cách nhanh chóng qua mạng internet.
Đến thời điểm này, việc cấp bằng tốt nghiệp ĐH ứng dụng blockchain mới được triển khai ở một số trường ĐH trong nước.
PGS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết bắt đầu từ năm nay trường chuyển qua cấp bằng tốt nghiệp có ứng dụng công nghệ blockchain. Trường này sẽ tiếp tục thực hiện với sinh viên các đợt tốt nghiệp tiếp theo.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết trường này vừa cấp bằng tốt nghiệp truyền thống đồng thời cấp thông tin xác thực văn bằng theo công nghệ blockchain quốc tế cho gần 600 sinh viên. Trước đó, công nghệ này đã được trường thí điểm với các chứng chỉ đào tạo nghề. Trường đã được một doanh nghiệp công nghệ Pháp tạo tài khoản, phân quyền và hướng dẫn sử dụng hệ thống cấp phát văn bằng theo công nghệ mới. Mỗi văn bằng, chứng chỉ cấp phát ra theo công nghệ này được gán một địa chỉ mạng (URL) duy nhất, truy cập tự do và được cam kết duy trì vô thời hạn.
Ông Vũ cho biết mỗi sinh viên ngoài nhận bằng tốt nghiệp truyền thống còn được nhận một phiên bản xác thực trực tuyến, có địa chỉ mạng thường trực, vĩnh viễn, kèm theo một mã QR để thuận tiện sử dụng trong các hồ sơ giao tiếp trực tuyến của mình. “Với những ưu việt của công nghệ này, thời gian tới trường sẽ tiếp tục cấp bằng tốt nghiệp ĐH đại trà cho sinh viên trong năm học này”, ông Vũ cho hay.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang trong quá trình nghiên cứu và thí điểm cấp bằng cho các học viên ở Trung tâm kỹ thuật điện toán, chưa triển khai đại trà với sinh viên bậc ĐH.

Giảm thủ tục hành chính

Nhiều câu hỏi được đặt ra về ưu điểm của ứng dụng công nghệ blockchain trên bằng tốt nghiệp này. Theo PGS-TS Nguyễn Trung Kiên, trước khi cấp bằng cho sinh viên, trường đã nghiên cứu kỹ các cách nhận diện mã QR dùng để tra cứu thông tin người học từ văn bằng này. Theo đó, ngay cả bản photo chất lượng cũng có thể quét được, tuy nhiên cần sử dụng máy in chuẩn để đảm bảo chất lượng mã quét.
Lý giải việc sử dụng công nghệ mới này trên bằng tốt nghiệp, PGS-TS Nguyễn Trung Kiên cho biết trước nay mỗi tuần các trường ĐH phải thực hiện nhiều thao tác xác thực văn bằng cho các đơn vị bên ngoài gồm nhà tuyển dụng, trường học… Khi nhận được đề nghị, trường phải trích lục hồ sơ văn bằng, kiểm tra và làm văn bản trả lời. Công việc này có thể thực hiện ngay hoặc lâu hơn tùy theo dữ liệu mới hay cũ. “Nhưng với công nghệ chuỗi khối này, nhà tuyển dụng chỉ cần sử dụng điện thoại sẽ dễ dàng quét mã tra cứu thông tin người học. Không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt công việc thủ công mà việc ứng dụng công nghệ này còn có thể tra cứu được thông tin bằng thật hay giả. Nếu bằng bị làm giả, khi quét sẽ không cho ra thông tin gì”, ông Kiên chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ thì cho rằng bằng này đặc biệt thuận lợi trong việc xác thực văn bằng trên phạm vi ngoài quốc gia. Ông Vũ nói: “Một tình huống thường gặp ở các ứng viên đi du học là trường nước ngoài đề nghị trường xác thực thông tin người học. Người học phải mất nhiều thời gian, có khi vài tuần cho công đoạn này. Nhưng với công nghệ mới, các dữ liệu tin cậy về người học đã có trên hệ thống blockchain để kiểm tra dễ dàng bằng quét mã vạch”.
Ông Vũ phân tích thêm: “Kiểm tra dữ liệu người học trên hệ thống blockchain sẽ nhanh gọn trong khi việc tra cứu dữ liệu trên website các trường, với người nước ngoài sẽ không dễ dàng”.
Ứng dụng blockchain, bằng tốt nghiệp sẽ không bị làm giả ?2

Không thể bị làm giả ?

Nói về sự ưu việt của văn bằng có ứng dụng công nghệ blockchain, tiến sĩ Nguyễn Đức Dũng, giảng viên Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề cập đến tính năng chống chối bỏ.
Cụ thể, một khi văn bằng này đã được cấp thì không cho phép bất cứ ai sửa đổi thông tin trên hệ thống, kể cả người học và người quản trị hệ thống. Tính năng này cùng với sự minh bạch của hệ thống mà ai cũng có thể kiểm tra, quan sát được tạo nên niềm tin cho người dùng. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng kiểm tra các thông tin văn bằng trên hệ thống blockchain với độ tin cậy cao mà không cần thực hiện quy trình xác minh văn bằng với các cơ sở đào tạo như hiện nay.
“Nhược điểm của bằng cấp truyền thống là bị làm giả khá nhiều, việc kiểm tra và quy trình xác thực bằng giả hay thật rất phức tạp. Không có cách nào khác là liên hệ tận nơi cấp bằng, chưa kể với các hệ thống tra cứu thông thường người quản trị nếu muốn vẫn có thể thao túng, sửa đổi thông tin. Nhưng với ứng dụng blockchain, bằng cấp không thể làm giả được. Nếu trên văn bằng giả chứa thông tin sai, hệ thống sẽ xác nhận không tồn tại, hoặc hiển thị thông tin của văn bằng có trùng mã trên hệ thống và do đó có thể lập tức xác thực thông tin về văn bằng”, tiến sĩ Đức Dũng nhấn mạnh.
Để triển khai đại trà việc cấp văn bằng điện tử, theo tiến sĩ Đức Dũng, về mặt công nghệ đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là mặt quản lý và các chính sách liên quan. Ngoài cơ sở đào tạo cấp văn bằng, hệ thống này cần có đối tác khác cùng tham gia là cơ quan cấp lớn hơn quản lý hệ thống đào tạo.
Ông Đỗ Văn Long, CEO Công ty CP Vietnam Blockchain, cho biết ứng dụng blockchain áp dụng cho việc tổ chức, quản lý và ghi nhận cụ thể trên mỗi văn bằng sẽ giúp tăng khả năng chống bị làm giả rất hiệu quả. Khi ứng dụng blockchain, mỗi bằng cấp được số hóa và ghi nhận với 1 mã định danh duy nhất (thông qua thể hiện bằng mã QR), việc lưu trữ dữ liệu minh bạch trên blockchain các thông tin về thời điểm được cấp, đơn vị đã cấp kèm theo các mã hóa của hình ảnh hoặc tài liệu minh chứng đối tượng được cấp là có thật.
Không lo lộ thông tin cá nhân
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Dũng, hệ thống blockchain có khả năng đảm bảo tính riêng tư của người dùng. Các cá nhân tham gia hệ thống có thể được cấp tài khoản đồng thời xác nhận danh tính một cách minh bạch, hoặc có thể sử dụng hệ thống định danh cá nhân chung. Người tham gia hệ thống có toàn quyền chia sẻ những thông tin riêng của mình nếu cần, và các thông tin khác được hệ thống mật mã đảm bảo bên thứ ba không truy cập được nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu thông tin đó. “Vì vậy, những lo ngại về rủi ro lộ thông tin cá nhân sẽ không xảy ra”, tiến sĩ Dũng cho hay.
Trường CĐ sử dụng mã QR trên bằng tốt nghiệp
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, hằng năm trường nhận được một số công văn của các đơn vị có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của trường, yêu cầu về việc xác minh văn bằng. “Nhận thấy việc này mất thời gian của doanh nghiệp, trường quyết định áp dụng công nghệ mã QR trên bằng tốt nghiệp và chứng chỉ khóa học ngắn hạn để giảm bớt thủ tục hành chính. Theo đó, trường phát triển một phần mềm tạo mã QR và cài danh sách cá nhân vào phần mềm. Phần mềm sẽ xuất ra một danh sách mã QR cho từng cá nhân. Phòng đào tạo sẽ chèn mã QR này vào từng văn bằng. Khi các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng muốn xác minh bằng và xem thông tin về bằng cấp thì chỉ cần sử dụng điện thoại cá nhân, quét vào mã QR là hiện ra thông tin cá nhân cần xác minh, gồm tên, khóa học, ngành học, bảng điểm, quyết định tốt nghiệp của trường.
Trường bắt đầu áp dụng loại bằng này cho khóa tốt nghiệp đợt 2 năm 2019 cho 500 sinh viên và 200 chứng chỉ ngắn hạn. 
Mỹ Quyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.