Ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ thí sinh: Bắt kịp xu hướng thời đại

04/06/2023 06:00 GMT+7

Năm nay, hầu hết các trường đại học tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi đều có sự hiện diện của chuyển đổi số với những ứng dụng hiện đại.

THAY ĐỔI GIẤY TỜ BẰNG CÔNG NGHỆ MỚI

Chị Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, chia sẻ suốt thời gian qua có rất nhiều hoạt động của Đoàn, Hội từng bước chuyển đổi hình thức triển khai các hoạt động tình nguyện phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và gắn với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên trong thời đại "công dân số". Theo đó, đã đẩy mạnh và áp dụng công nghệ thông tin, công cụ chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực hoạt động tình nguyện, trong đó có chương trình Tiếp sức mùa thi.

Chị Tâm cho biết: "Trước đây, chương trình Tiếp sức mùa thi sử dụng các phương pháp truyền thống và giấy tờ nhiều thì ngày nay với sự áp dụng công nghệ mới, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đang dần áp dụng chuyển đổi số khi triển khai chương trình để giúp sinh viên dễ dàng truy cập và thuận tiện trên mọi phương tiện".

Ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ thí sinh: Bắt kịp xu hướng thời đại - Ảnh 1.

Cụ thể, mọi năm Hội Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM phụ trách 15 điểm trường trên các địa bàn như Q.3, Q.5 và Q.10, với từng điểm trường thì sinh viên sẽ tự chọn để đăng ký theo cách truyền thống. Còn năm nay, trường triển khai ứng dụng Biolink, là một dạng tích hợp các link đăng ký, danh sách…, sinh viên chỉ cần truy cập Biolink theo triển khai của ban tổ chức là nhanh chóng thấy các điểm trường đều mở ra có đầy đủ thông tin thời gian, địa điểm, yêu cầu. Sinh viên cảm thấy phù hợp điểm trường nào thì đăng ký vào đó.

Chị Nguyễn Thanh Tâm cũng cho rằng có rất nhiều "điểm cộng" khi ứng dụng chuyển đổi số, tức ứng dụng Biolink vào chương trình Tiếp sức mùa thi.

Chẳng hạn nhờ Biolink mà các hoạt động tình nguyện, tiếp sức sẽ diễn ra tiện lợi, rõ ràng, minh bạch. Biolink giúp truyền thông chương trình Tiếp sức mùa thi một cách rộng rãi. Thêm vào đó, ứng dụng này có thể cho người truy cập biết được còn bao nhiêu ngày nữa chương trình diễn ra hoặc kết thúc. Ngoài ra, nhờ ứng dụng có hộp thư góp ý, sinh viên có thể góp ý để ban tổ chức hoàn thiện hơn ở những chương trình tiếp theo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên của phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, cho biết trường cũng có những hoạt động chương trình Tiếp sức mùa thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến. Trong đó, nhiều hoạt động gắn liền với chuyển đổi số, có thể kể như áp dụng livestream trong các buổi tư vấn ngành nghề, tư vấn đăng ký nguyện vọng, tư vấn để thi tốt từng môn…

Đặc biệt, vào giai đoạn thí sinh sắp thi, trường sẽ tung ra một chương trình chúc các thí sinh thi tốt. Lời chúc này đến từ ban giám hiệu, giảng viên của trường.

Ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ thí sinh: Bắt kịp xu hướng thời đại - Ảnh 2.

Sinh viên đã sẵn sàng tiếp sức mùa thi cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

X.P

Theo tiến sĩ Sơn, thời gian tới, trường sẽ tiếp tục chuyển đổi số nhiều hơn nữa trong các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ thí sinh. Bởi lẽ chuyển đổi số mang lại nhiều ưu điểm so với những cách làm truyền thống thông thường.

CHUYỂN ĐỔI SỐ CÓ NHIỀU CÁI LỢI

Chị Hồ Bảo Ngọc, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết chương trình Tiếp sức mùa thi của trường đã ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian qua.

Cụ thể, đó là triển khai nhiều app (ứng dụng) giúp thí sinh trong mùa thi như: UTE Maps dẫn đường vào trường, phòng họp cho tân sinh viên, app thông tin nhà trọ, hay tích hợp và sử dụng website nhà trọ 4.0 để hỗ trợ tân sinh viên và phụ huynh trong việc tìm kiếm nơi trọ.

Ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ thí sinh: Bắt kịp xu hướng thời đại - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên của phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi tư vấn hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho thí sinh qua các nền tảng mạng xã hội

Theo chị Ngọc, với việc ứng dụng các công cụ chuyển đổi số trong chương trình Tiếp sức mùa thi sẽ giúp công tác quản lý sinh viên tình nguyện dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian cho sinh viên khi tham gia chương trình, đồng thời giảm thiểu được sai sót trong việc kiểm soát số lượng tham gia, đặc biệt đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Ban tổ chức có thể nắm được tổng số lượng sinh viên tham gia, số buổi tham gia, từ đó thuận tiện trong công tác điểm danh. Thay vì phải cầm giấy gọi tên từng bạn, sau đó phải đếm tổng số buổi bằng cách thủ công thì khi sử dụng chuyển đổi số chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.

"Ví dụ như dùng mã QR code cho các bạn điểm danh trong vòng 10 phút đầu buổi và 10 phút cuối buổi tương ứng với check in và check out. Sau khoảng thời gian trên QR code sẽ khóa, đồng thời khi điểm danh xong hệ thống tổng sẽ tích vào ô điểm danh và tính tổng số buổi trên hệ thống ban tổ chức. Còn đối với các bạn tham gia sẽ có email tự động gửi về cho các bạn để có thể sử dụng làm minh chứng cho từng buổi", chị Ngọc giải thích.

Ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ thí sinh: Bắt kịp xu hướng thời đại - Ảnh 4.

Ngoài ra, việc ứng dụng chuyển đổi số chương trình Tiếp sức mùa thi là hành động để đáp ứng và kịp thời bắt kịp xu hướng, thành tựu nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại.

Song song với những hoạt động ứng dụng chuyển đổi số, trong đợt 1 (xuyên suốt tháng 6) chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM còn triển khai nội dung hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi. Ở đợt 2, trường sẽ hỗ trợ tân sinh viên nhập học vào tháng 9. Khoảng 300 tình nguyện viên sẽ túc trực ở các bến xe, nhà ga hỗ trợ đón thí sinh từ các tỉnh đến TP nộp hồ sơ xác nhận nhập học. Bên cạnh đó còn hỗ trợ tư vấn ký túc xá, tìm kiếm nhà trọ đối với các thí sinh, người nhà có nhu cầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.