Theo chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hải Dương, để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão số 1 và mưa lũ sau bão gây ra, thực hiện Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16.7 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động các biện pháp phòng, chống phù hợp theo kế hoạch.
Xem nhanh 20h ngày 17.7: Bão số 1 tiến gần đất liền
Tập trung thu hoạch hoa màu, gia cố các vị trí xung yếu, di dân đến nơi an toàn
Các địa phương chủ động thu hoạch các loại cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; có phương án bảo vệ diện tích cây rau màu, cây ăn quả, diện tích lúa mới gieo cấy; chú ý phương án chống úng các khu vực trũng thấp, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; phương án đảm bảo cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên bãi sông; phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó thiên tai phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; sơ tán người ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn; hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy...; đảm bảo an toàn công trình hồ đập, thủy lợi, đê điều; chú ý các trọng điểm công trình đê điều, các sự cố sạt lở bãi sông, bờ kênh trục Bắc Hưng Hải chưa được xử lý, các công trình còn đang thi công, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, chủ động khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ".
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Tiến Bậc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị của tỉnh Hải Dương để ứng phó với cơn bão số 1, cơ bản đã hoàn tất. Kế hoạch di dân đến nơi an toàn, bảo vệ tài sản, công trình của cơ quan nhà nước cũng như của người dân cũng đã hoàn thiện, cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả của cơn bão số 1 gây ra".
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã chủ động triển khai phương án tiêu úng khi có diễn biến mưa lớn ưu tiên cho diện tích lúa, cây rau màu ở vùng trũng thấp, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; TP.Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng khu vực đô thị.
TP.Chí Linh và TX.Kinh Môn tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho hồ đập, khu vực mỏ khai thác đất, đá, khoáng sản trên địa bàn.
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.
Chủ động triển khai lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão
Công điện cũng yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ sau bão, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả.
Các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó đến các cấp, các ngành và nhân dân để chủ động phòng, tránh.
Tiểu ban tìm kiếm cứu nạn, thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, mưa lớn, úng ngập, công tác cứu hộ, cứu nạn.
Các sở, ban, ngành, đơn vị khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.
Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh bám sát địa bàn phân công, chủ động kiểm tra và chỉ đạo việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa, bão.
Tổ chức việc trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Chỉ đạo các khu công nghiệp, nhà máy có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc và hỗ trợ công nhân
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, thông tin: "Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, ban đã có chỉ đạo tới các khu công nghiệp, các công ty, nhà máy, xí nghiệp có phương án bảo đảm các công trình, nhà xưởng, đề phòng việc cháy nổ khi liên quan đến sự cố điện. Trong trường hợp cơn bão số 1 đổ bộ, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tùy theo tình hình, các công ty có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc, và hỗ trợ công nhân tùy điều kiện của công ty".
Ông Lê Đức Đỉnh, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, cho hay ngành điện đã xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai từ đầu năm. Tổ kỹ thuật thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo trì hệ thống điện, đường dây. Trước diễn biến của bão, Điện lực Hải Dương ứng trực 100% để đề phòng, khắc phục sự cố xảy ra nếu có.
"Trước mùa mưa bão, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, đã tổ chức cắt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy đổ, bảo trì hệ thống trạm bơm ở những vị trí có nguy cơ úng lụt, khơi thông, thanh xả dòng chảy, lắp đặt đăng, chắn; tăng cường lắp thêm 5 máy bơm ở khu vực dã chiến. Bắt đầu từ tối nay (17.7), 100% nhân viên trong công ty được điều động để ứng trực, xử lý tình huống trước và sau khi cơn bão số 1 đi qua", ông Trần Thế Cường, Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương thông tin tới Thanh Niên.
Bình luận (0)