Doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao ?
Tổng thống Donald Trump ngày 13.2 (giờ Mỹ) đã giao cho nhóm cố vấn kinh tế của ông lập kế hoạch áp thuế quan đối ứng với mọi đối tác đánh thuế hàng hóa Mỹ, làm gia tăng nguy cơ về cuộc chiến thương mại toàn cầu với các đồng minh lẫn đối thủ của nước này. Theo đó, Nhà Trắng đề cập các quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Chính quyền Washington chỉ ra mức thuế ethanol của Mỹ là 2,5% trong khi Brazil áp thuế tới 18% đối với ethanol nhập khẩu từ Mỹ. Như vậy theo lý thuyết, Mỹ có thể tăng thuế lên ethanol của Brazil bằng với mức thuế mà nước này đang áp dụng đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Mỹ. Đây còn gọi là chính sách "có đi có lại".

Doanh nghiệp cần chủ động có giải pháp ứng phó căng thẳng thương mại gia tăng
Ảnh: Linh Linh
Bày tỏ quan ngại về chính sách thuế đối ứng từ Mỹ khi ngành gỗ đang xuất siêu vào thị trường này, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng hiện doanh nghiệp (DN) vẫn phải chờ xem các công bố mới tiếp theo. Hiện nay, VN vẫn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ và nguyên liệu gỗ từ Mỹ nhập khẩu vào VN cũng không chịu thuế. Chính vì vậy ngành gỗ VN có nguy cơ bị áp thuế nhưng bản thân ông Phương cũng chưa rõ thế nào. Để ứng phó tình hình biến động thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, các DN đều hiểu rõ phải tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường. Dù vậy, Mỹ hiện chiếm đến 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ của VN nên rất khó để có thị trường khác thay thế, nhất là trong thời gian ngắn.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Sao Ta, cho rằng về lý thuyết, những mặt hàng mà VN đang xuất siêu vào Mỹ đều có nguy cơ bị áp thuế gia tăng, trong đó có thể là thuế đối ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm mà VN đang xuất siêu như dệt may, da giày, thủy hải sản... là những mặt hàng tiêu dùng, không ảnh hưởng nhiều đến ngành sản xuất trong nước của Mỹ. Do đó ông cho hay cũng chờ xem các chính sách tiếp theo nhưng nhiều khả năng thủy sản VN nói riêng hay nhiều nhóm ngành khác sẽ không bị tăng thuế. Bản thân mỗi DN đều có chính sách đối ứng để giảm thiểu rủi ro phù hợp với điều kiện, năng lực riêng. Ông Lực lấy ví dụ có thể trong hợp đồng xuất khẩu với đối tác Mỹ sẽ bàn chi tiết hơn về việc chia sẻ mức thuế nếu có phát sinh trong thời gian tới như thế nào...
Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, các chính sách thuế quan đã công bố của Mỹ chưa tác động trực tiếp đến VN. Riêng chính sách thuế đối ứng thì phải chờ chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố cụ thể, nhưng trước mắt khả năng cũng chủ yếu nhắm vào các đối tác lớn. Mỹ là thị trường truyền thống của ngành dệt may VN và chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện sản phẩm dệt may VN được xuất sang Mỹ cũng chịu mức thuế thấp như các nước khác. Thị trường thương mại thế giới dự báo sẽ có xáo trộn khi Mỹ áp thuế nhưng bên cạnh thách thức cũng sẽ có cơ hội cho DN trong nước. Trong đó, tổng cầu về hàng may mặc vẫn có xu hướng tăng. Hiện các DN của ngành đã có đơn hàng đến hết giữa năm 2025. Chưa kể khi một số quốc gia khác bị áp thuế gia tăng thì có thể lượng đơn hàng từ người mua ở Mỹ có thể gia tăng chuyển sang VN. Với nhiều tín hiệu tích cực thì khả năng năm 2025, ngành dệt may có thể xuất khẩu tăng trưởng 2 con số so với năm 2024 để hướng tới mức 50 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Hồng nhấn mạnh: DN cần cẩn trọng về nguồn nguyên phụ liệu hay tình trạng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ VN để bán sang thị trường Mỹ. Khi đó, hàng VN sẽ bị quốc gia này điều tra và nguy cơ bị áp thuế tăng cao. Song song đó, DN vẫn phải tiếp tục mở rộng, tìm thêm thị trường mới để đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu.
linh hoạt, chủ động
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh chỉ ra thông tin từ Đại sứ Mỹ ở VN khẳng định việc áp thuế của nước này không nhắm tới VN. Đây là tin mừng nhưng cũng không thể chủ quan. Hàng hóa của các nước khi vào Mỹ bị áp thuế cao hơn thì những mặt hàng tương tự của VN bán sang thị trường này cũng có thể gặp nguy cơ bị áp thuế trong tương lai. Đây là điều đáng lo ngại, nhất là những mặt hàng VN đang có lợi thế và xuất khẩu khá nhiều vào nước này. Đó là chưa kể giá hàng hóa tại Mỹ thời gian tới sẽ tăng cao khi thuế quan chính thức áp dụng. Từ đó sẽ làm giảm khả năng mua hàng của thị trường này nói chung, có thể ảnh hưởng tới lượng đơn đặt hàng của VN. Trước mắt, VN phải chủ động có kế hoạch ứng phó các nguy cơ như bị áp thuế cao hơn, điều tra nguồn gốc sản phẩm, chống bán phá giá... Đặc biệt, các DN cần linh hoạt, gia tăng hàm lượng chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm để tăng sự cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Trước nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng, chúng ta không quá bi quan. Có thể có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Mỹ ở một số nhóm hàng nào đó nếu có lợi thế về thuế quan so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, không nên tận dụng cơ hội này quá mức ở thời điểm hiện tại. Bởi nếu nhóm hàng nào đó của VN gia tăng xuất sang Mỹ thì tương ứng có thể các DN nội địa nước này sẽ đệ đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá và sản phẩm VN lại bị áp thuế cao hơn".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định các chính sách thuế mới công bố trước hết sẽ được Tổng thống Trump hướng đến các quốc gia lớn, bán nhiều hàng vào Mỹ như Trung Quốc, Mexico, Canada hay các nước châu Âu… Dù VN chưa nằm trong nỗi lo ngại về đòn áp thuế đối ứng nhưng ảnh hưởng gián tiếp vẫn có và trong tương lai thì nguy cơ bị áp thêm thuế vẫn hiện hữu. Hoạt động thương mại VN có thể bị Mỹ giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang siết chặt chính sách thương mại với các đối tác có thặng dư thương mại lớn. Theo ông Long, không thể ngồi chờ đến khi VN bị nhắc tên mà Chính phủ lẫn DN cần phải chủ động đưa ra những giải pháp để thích ứng trong bối cảnh mới. Chẳng hạn, DN cần tích cực tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, ASEAN, hoặc các thị trường không bị áp thuế cao. Tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước. Đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị, giảm tác động từ thuế quan. Nhìn chung, việc Mỹ áp thuế lên các quốc gia hay mở rộng ở nhiều nhóm ngành sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu vào thị trường này của VN nhưng cũng mở ra cơ hội để đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm trong nước.
Các hiệp hội ngành hàng cần chủ động hợp tác, trao đổi với DN để tránh tình trạng gian lận thương mại. Đồng thời đưa ra các cảnh báo sớm xoay quanh tình trạng hàng nước ngoài nhập vào VN gia tăng hay giả mạo xuất xứ để bán sang Mỹ, tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Đây là cơ hội để bản thân DN nâng cao thêm một bước hoạt động sản xuất, gia tăng giá trị và VN nâng được sức cạnh tranh, hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh công bằng, hấp dẫn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh
Bình luận (0)