Ứng phó khi con gặp 'chứng lười học'

23/02/2024 08:08 GMT+7

'Con tôi lười học lắm, không bao giờ tự giác ngồi vào bàn để làm bài'. 'Tôi làm đủ cách mà con bé không tập trung học hành, chỉ chơi game, nghịch điện thoại là nhanh'... Những lời than thở này của phụ huynh đã không còn xa lạ.

Vậy có cách nào ứng phó khi con gặp "chứng lười học"? Đồng hành với con theo cách nào để không dập tắt niềm đam mê học tập?

CÓ NHỮNG GIAI ĐOẠN CON SỢ BÀI TẬP, SỢ "DEADLINE"

Chúng tôi lấy ý kiến của một số học sinh (HS) tại TP.HCM về những lúc các bạn cảm thấy "lười học". Câu trả lời cho thấy không có HS nào luôn luôn đạt được trạng thái học tập lý tưởng nhất, kể cả những HS xuất sắc cũng có những giai đoạn "sợ deadline", "sợ bài tập về nhà".

H.T.N.Q, học lớp 9, ở Q.Bình Thạnh, nói: "Em thấy hiện tượng lười học xảy ra ở rất nhiều bạn bằng tuổi. Bạn bè đồng trang lứa chúng em ai cũng từng có lúc thấy lười học, chán học. Với cá nhân em, việc thấy mình lười học có thể xuất phát từ việc không hiểu bài, không tiếp thu được bài, cảm thấy kiến thức rắc rối, căng thẳng và muốn được để đầu óc thoải mái. Hoặc cũng có thể do tác động môi trường bên ngoài, nhất là khi bị bố mẹ áp đặt, bị bạn bè chế giễu, hay vì mải mê với những trận game chơi khuya… càng làm những bạn rơi vào trạng thái lười học, chán học cảm thấy tệ hơn".

Ứng phó khi con gặp 'chứng lười học'- Ảnh 1.

Cha mẹ đồng hành cùng con trong một hoạt động “Lớp học mở” của một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM

HUYỀN TRÂN

L.H.T, lớp 8, Q.Tân Bình, thì chia sẻ: "Em có nhiều lần cảm thấy rất lười học, không muốn tập trung vào bài vở. Thường những lúc như vậy rơi vào kỳ thi, do việc học tập rất áp lực, nhiều bài tập, bài thi, nhiều phong trào ở trường cần thực hiện khiến em bị áp lực nên thấy chán học. Ngoài ra, em bị ảnh hưởng bởi những bộ phim chưa xem hết, những thông báo trên mạng xã hội, sợ là mình không xem thì sẽ bỏ lỡ thứ gì đó…".

"Có những lúc em rất quá tải vì muốn hoàn thành tốt mọi thứ. Em muốn môn chuyên của em được điểm tốt, thi HS giỏi có giải, nhưng cũng không muốn các môn khác bị điểm ở mức trung bình. Khi căng thẳng như vậy, em thấy mình thật tệ là đã lười biếng, thay vì ôn thi lại dành quá nhiều thời gian để xem hết cả loạt phim dài tập mà mình chỉ nghĩ là xem một tập cho biết thôi…", N.B.N, HS lớp 12, ở Q.5, thành thật cho biết.

ĐI TÌM NIỀM VUI TRONG HỌC TẬP

Anh Võ Thành Tài, gia sư tại eTeacher, cho biết kinh nghiệm từ việc kèm cặp các bạn HS ở các lứa tuổi, các trình độ của anh cho thấy nếu một HS nào đó đang cảm thấy lười học, chán học… có thể vì chưa tìm được niềm vui trong học tập, động lực để cố gắng. Còn về khách quan, có thể HS đó chưa gặp được môi trường học tập phù hợp. Nếu bạn đó được kết bạn với những người bạn giỏi sẽ là động lực để nỗ lực hơn. Ngược lại, nếu môi trường mà HS đó tiếp xúc chưa tốt sẽ dẫn đến sự chán nản trong học tập, với tâm lý "học làm chi, mai mốt ra trường rồi làm gì?".

Anh Lê Hải Đoàn, giảng viên tiếng Anh, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, giáo viên ôn luyện tiếng Anh tại một trung tâm, cho rằng từ trước đến nay sự học chưa bao giờ là dễ dàng, người lớn cũng còn có lúc cảm thấy biếng học, biếng làm, vì lẽ tự nhiên là ai cũng thích chơi, thích những gì dễ dàng.

"Vậy làm sao để khơi gợi cảm hứng học tập? Tôi nghĩ rằng nên hướng theo cách "học mà chơi, chơi mà học", tạo được cảm giác cho con em mình rằng học tập không nặng nề. Với góc độ một giảng viên tiếng Anh, tôi thường khuyến khích HS, sinh viên đọc, tìm hiểu những chủ đề mình thích, thuyết trình những gì các em có sự say mê. Tức là người học trở thành trung tâm, mình luôn hướng đối tượng người học với chủ đề mà các bạn có nhiều cảm hứng", anh Đoàn nói.

MỖI ĐỨA TRẺ LÀ MỘT CÁ THỂ RIÊNG BIỆT

Thạc sĩ Đào Mạnh Trí, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Power Transformation Lab, ĐH California-San Diego (UCSD, Mỹ), cho rằng trong câu chuyện làm sao khi con lười học thì việc cha mẹ nhận diện và chấp nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với sở thích và khả năng khác nhau là cực kỳ quan trọng.

Các HS cũng nên ý thức rằng trong những năm tháng phát triển, việc thay đổi sở thích và mong muốn là chuyện hoàn toàn bình thường, và các em sẽ luôn cần một nền tảng giáo dục cơ bản để có sự linh hoạt khi thay đổi định hướng trong cuộc sống. Bởi vậy, việc học là để phục vụ chính các em.

Thạc sĩ ĐÀO MẠNH TRÍ (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Power Transformation Lab, ĐH California-San Diego, Mỹ)

Thay vì áp đặt mục tiêu và kỳ vọng của bản thân lên con cái, cha mẹ nên khuyến khích và hỗ trợ con tìm hiểu và phát triển theo đam mê của chính mình. Điều này sẽ làm giảm áp lực, giúp các em tìm thấy niềm vui trong học tập và góp phần nâng cao sự tự tin cũng như khả năng tự lập của các em.

"Đôi khi sở thích của các em không liên quan trực tiếp tới các môn học phổ thông. Khi đó cha mẹ nên giải thích để các em hiểu rằng dù sau này có làm nghề gì thì những kiến thức phổ thông vẫn sẽ cần thiết cho lối sống tự lập, năng động trong một xã hội nhiều đổi thay. Các HS cũng nên ý thức rằng trong những năm tháng phát triển, việc thay đổi sở thích và mong muốn là chuyện hoàn toàn bình thường, và các em sẽ luôn cần một nền tảng giáo dục cơ bản để có sự linh hoạt khi thay đổi định hướng trong cuộc sống. Bởi vậy, việc học là để phục vụ chính các em", thạc sĩ Trí nói.

Ứng phó khi con gặp 'chứng lười học'- Ảnh 2.

Cha mẹ cần đồng hành và chia sẻ với con cái trong quá trình học tập

ẢNH MINH HỌA SHUTTERSTOCK

Theo thạc sĩ Trí, trong thời đại số, khi mà các em ngày càng dễ mất tập trung bởi các nội dung "trending", cha mẹ nên cùng tham gia và giúp các em định hướng học tập. Ví dụ như tham gia cùng con trong quá trình học, cùng xem video giáo dục, thảo luận về nội dung học hoặc cùng tham gia các trò chơi kiểm tra kiến thức. Việc này không chỉ giúp củng cố tình cảm gia đình mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về quá trình học tập và nhu cầu của con. Sau đó là cùng tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà sự tò mò và khám phá được khuyến khích.

"Cha mẹ và thầy cô nên tạo điều kiện cho các em tìm tòi, thử nghiệm và phát triển kỹ năng trong quá trình học tập, thay vì chỉ tập trung vào điểm số và kết quả. Các bậc cha mẹ nên đề cao và khích lệ những sự tiến bộ nhỏ, kể cả khi các em chưa đạt được kết quả như mong muốn", thạc sĩ Trí chia sẻ.

Đừng "sát thương" con cái bằng những câu nói

Trong những lần tác nghiệp, chúng tôi không ít lần nghe được những câu chuyện về hành trình "lội ngược dòng" của những học trò ban đầu vốn được gắn nhãn "lười học", "học dở". Sau một khoảng thời gian, các bạn đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi trong học tập và cả sự nghiệp. Bước ngoặt cho sự đổi thay, đôi khi chỉ là một câu nói, một lời động viên đúng thời điểm của giáo viên, cha, mẹ…

Gia sư Võ Thành Tài cho biết một trong những sai lầm nhiều người mắc phải là luôn giữ định kiến về một HS nào đó "lười học", "học dở", "ngỗ nghịch", "không thể học được"... HS, nhất là khi đứng trước những dấu mốc quan trọng, càng cần được lắng nghe về những áp lực các bạn đang trải qua. Sai lầm của phụ huynh là khi thấy con học tập chưa đúng như kỳ vọng thì dùng những từ nặng nề mắng nhiếc các con. Không chỉ vậy, có cha mẹ ra sức ép con nhỏ học các lớp học thêm và học từ sáng sớm đến tối khuya, từ thứ hai tới chủ nhật.

"Điều đó dễ dẫn đến tình trạng có HS ngày càng lười biếng, ỷ y. Bởi lẽ các bạn nghĩ mình học thêm đủ nhiều rồi, đối với các bài giảng trên lớp không cần thiết phải nghe nữa; hoặc rơi vào tình trạng bão hòa, tự động từ chối tiếp nhận kiến thức mới. Điều đó dần dần phá hủy niềm hứng khởi trong việc học tập của một đứa trẻ", anh Tài chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.