Ứng phó mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại

28/09/2022 06:51 GMT+7

Từ 7 giờ sáng qua 27.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó bão số 4 (bão Noru).

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung bộ và Tây nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão Noru, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó với cơn bão số 4

TTXVN

Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Cuồng phong bão số 4 (siêu bão Noru) đang tàn phá miền Trung

Trưa cùng ngày, Thủ tướng ký ban hành Công điện số 865/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão nguy hiểm này. Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các địa phương đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4. Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào… Tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, các phương tiện hoạt động ven bờ, vùng cửa sông); hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để hạn chế thiệt hại…

Mưa lớn khắp miền Trung, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Ngày 27.9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngoài cường độ rất mạnh thì một đặc điểm cần phải cảnh giác sau bão Noru là mưa lớn. Thông tin này được Trung tâm dự báo khí tượng tham khảo trong bản báo cáo dài hơn 100 trang từ các đồng nghiệp ở Philippines về cơn bão Noru. Cụ thể, bão đã gây ra một đợt mưa lớn và ngập lụt trên phạm vi rất rộng tại nước bạn. Nhiều khu vực mưa lớn kết hợp lũ khiến nước ngập ngang mái nhà.

Trung tâm dự báo từ đêm 27.9 đến ngày 28.9, vùng có mưa lớn nhất là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum với lượng mưa phổ biến 250 - 350 mm, có nơi trên 450 mm. Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Sau đó sang ngày 28.9, vùng mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão Noru tiếp tục mở rộng ra khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ.

Trung tâm cảnh báo, khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có khả năng xảy ra ngập lụt trên diện rộng; đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, ngập sâu trung bình từ 0,3 - 0,6 m.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh Hải, chuyên gia dự báo thời tiết, Hội Khí tượng thủy văn VN, cho biết vùng mưa do bão Noru bao trùm khắp các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên. Mưa lớn và tập trung trong một thời gian ngắn ở khu vực có địa hình đồi núi, sông suối nhỏ, ngắn và độ dốc lớn nên nguy cơ rất cao sẽ xảy ra thiên tai cực đoan nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất. Cũng theo ông Hải, sau khi bão Noru đi qua, miền Trung lại chịu ảnh hưởng của không khí lạnh nên trời còn mưa lớn kéo dài trong những ngày sắp tới.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.