Ứng phó nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập

29/11/2021 05:27 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên , Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, biến chủng mới Omicron của SARS-CoV-2 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào các chủng quan ngại.

Omicron lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta

Chiều 28.11, Bộ Y tế cho biết đang gấp rút chủ động triển khai các biện pháp phòng chống biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Trước đó, ngày 25.11.2021, WHO đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529), được phát hiện tại một số quốc gia nam châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Xét nghiệm hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi ngày 27.11. Nam Phi là nơi ghi nhận xuất hiện biến chủng mới Omicron của Covid-19

AFP

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).

Hành khách chờ lên máy bay rời Nam Phi, tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi ngày 27.11. Nam Phi là nơi ghi nhận xuất hiện biến chủng mới Omicron của Covid-19

AFP

Tại VN đến nay, qua giám sát dịch tễ, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 nhằm đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình.

Biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn Delta 500%

Tiêm chủng vắc xin là rất cần thiết

Về hiệu quả của vắc xin Covid-19 với biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 28.11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết biến chủng mới có đáp ứng với vắc xin hay không vẫn cần được nghiên cứu, nhưng việc tiêm chủng vắc xin như đang triển khai vẫn là rất cần thiết. Theo ông Sơn, chúng ta vẫn cần khẩn trương bao phủ vắc xin Covid-19 càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng, vì không chỉ với chủng mới mà việc đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta cũng hết sức cần thiết. Tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong.

Về nghiên cứu các biến đổi của vi rút cũng như phát hiện các biến chủng, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) xác nhận: “Trong nước hoàn toàn làm chủ kỹ thuật xét nghiệm, giải trình tự gien, đủ năng lực để phát hiện biến chủng mới bao gồm với biến chủng Omicron nếu có ca xâm nhập”. Theo lãnh đạo NIHE, vừa qua, giải trình tự gien tại viện này đã giúp đánh giá được các biến thể của SARS-CoV-2 gây dịch tại VN như: chủng SARS-CoV-2 ghi nhận lần đầu tại Vũ Hán, sau đó tại Anh, Nam Phi và Delta hiện đang là chủng phổ biến.

ĐỒ HỌA: QUỐC BẢO

“Đặc điểm của vi rút là biến đổi, chúng có thể lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn nhưng cũng có thể giảm độc lực, do đó cần có các nghiên cứu đánh giá. Nhưng trong mọi tình huống, cùng với tiêm chủng đầy đủ, để phòng chống dịch, người dân luôn có ý thức tuân thủ khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng chống dịch. Vì ngay cả khi tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nhiều người mắc thì cũng làm gia tăng ca tử vong”, một chuyên gia về dịch tễ chia sẻ.

Xây dựng kịch bản cho các tình huống dịch

Đáng lưu ý, theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao trong các tuần gần đây, hiện ở mức 6.000 - 7.000 ca mới/ngày so với 4.000 - 5.000 ca/ngày khoảng 2 tuần trước. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương chú trọng nhân lực cho y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời, các địa phương bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể. Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thuốc điều trị Covid-19 tại nhà và các cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, người dân cần tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng chống dịch, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng chống dịch.

Ngay trong tuần này, đoàn kiểm tra, giám sát công tác điều trị, hồi sức tích cực, phòng chống dịch Covid-19 do PGS-TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra TP.HCM, một số tỉnh phía nam và các tỉnh có số tử vong cao do Covid-19.

Ngăn chặn dịch chồng dịch

Trước diễn biến gia tăng các ca mắc Covid-19, đồng thời hiện vào thời điểm thuận lợi dịch bệnh mùa đông - xuân, lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế về hướng dẫn chuyên môn; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân. “Công tác chống dịch cần chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý.

Bác sĩ nhận định triệu chứng của biến chủng Omicron 'bất thường nhưng không nguy hiểm'
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.