Ứng phó siêu bão như thời chiến

10/11/2013 03:50 GMT+7

Suốt ngày hôm qua, các tỉnh miền Trung dồn sức vào công tác di dân, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền, tài sản để ứng phó với cơn bão số 14 có tên quốc tế là Haiyan , được dự báo là cơn bão có sức tàn phá lớn nhất lịch sử.

Ứng phó siêu bão như thời chiến
Một cụ già được người thân đưa đi trú ẩn bằng xe công nông tại Đồn biên phòng Mỹ Thủy (H.Hải Lăng, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Buộc di dân khỏi vùng không an toàn

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó siêu bão Haiyan chuẩn bị đổ bộ, trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, yêu cầu các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác di dân, đặc biệt là khu vực dân cư ở Cửa Đại, Hội An còn đóng cửa cố thủ không chịu di dời. Tính đến 19 giờ ngày 9.11, các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Phú Yên sơ tán 182.369 hộ/629.716 người ở 69 huyện thị, trong đó Đà Nẵng di dời nhiều nhất với 45.920 hộ/162.388 người, Quảng Nam 43.768 hộ/146.476 người.

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi đại sứ quán các nước Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và tàu thuyền VN vào trú tránh.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), lo ngại lớn nhất là 321 tàu cá từ Nam Định đến Quảng Ngãi đang ở ven bờ vẫn tranh thủ đánh cá lúc biển động, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu BĐBP các địa phương phải cưỡng chế các tàu cá này vào bờ an toàn.

Kiểm tra âu thuyền Thọ Quang, TP.Đà Nẵng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện neo đậu cũng như bảo vệ tài sản trên tàu để ngư dân yên tâm đi trú bão. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết cưỡng chế các ngư dân không chịu rời tàu cũng như người dân sinh sống trong các ngôi nhà cấp 4, nhà tạm không đảm bảo an toàn. “Đơn vị nào, tỉnh thành nào chủ quan trong công tác ứng phó bão Haiyan, gây thiệt hại sẽ bị xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời nhắc nhở các địa phương cảnh giác lũ lớn sau bão.

Thị sát tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương di dời người dân ven biển, ven sông đến nơi an toàn trước 17 giờ cùng ngày. “Dời dân ở tất cả những vùng nguy hiểm. Không để người dân ở trong những nhà cấp 4 nữa. Nhà cấp 3 trở lên thì dân ở được, còn nhà cấp 4 dân phải ra hết, nếu không sẽ xảy ra chết người…”, Phó thủ tướng nói.

Tại phố cổ Hội An, Phó thủ tướng đến Trường THCS Nguyễn Du để thăm hỏi, động viên người dân các phường ven biển đang trú bão. Theo UBND TP.Hội An, địa phương đã di dời khoảng 3.000 dân đến trú tại 6 khu tập trung. Trong trường hợp cần thiết, có thể mở thêm các khu tránh trú khác. Lực lượng chức năng cũng đã di dời trên 1.000 du khách ở các khách sạn ven biển tại Hội An đến nơi an toàn. Phó thủ tướng chỉ đạo chính quyền Hội An khẩn trương triển khai các biện pháp để bảo vệ phố cổ; người dân tại đảo Cù lao Chàm phải được di dời đến những vùng núi và các đơn vị quân đội.

Tại Quảng Ngãi, sau khi kiểm tra, thị sát cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thăm hỏi các hộ dân đang di dời trú bão tại Trung tâm văn hóa thể thao Dung Quất, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi phải di dời tất cả người dân ở những vùng nguy hiểm, nhất là ở các vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn đến nơi ở an toàn, đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để dân đói, bệnh tật, đuối nước... Tỉnh Quảng Ngãi xác định tổng số dân cư phải di dời, sơ tán là gần 80.000 hộ với hơn 400.000 khẩu ở các xã ven biển, đảo, ở nhà cấp 4, nhà tranh tre tạm bợ, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, vùng hạ du hồ chứa nước xung yếu. Toàn bộ công tác di dời dân hoàn thành vào chiều tối 9.11.

Ứng phó siêu bão như thời chiến
Bộ đội giúp dân xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn chằng chống nhà cửa - Ảnh: Ngọc Nhuận

Hành động siêu nhanh ứng phó siêu bão

Kiểm tra công tác phòng tránh bão ở Thừa Thiên-Huế, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cơn bão số 14 là cơn bão mạnh chưa từng thấy, toàn bộ hệ thống chính trị đều vào cuộc phòng chống bão, làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. “Đây là cơn siêu bão nên chúng ta phải có những siêu hành động, hành động siêu nhanh để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, thậm chí không thiệt hại về người. Ở Quảng Bình bão cấp 13 - 14 mà hậu quả tàn phá lớn như thế, đây lại là cơn bão mạnh hơn nhiều mà trung ương thì đã có chỉ đạo, để xảy ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm”, Phó thủ tướng nói. Theo báo cáo, đến 19 giờ ngày 9.11, Thừa Thiên-Huế đã di dời khoảng 29.000 hộ với 100.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng tránh bão tại Quảng Trị. Các xã miền biển của tỉnh Quảng Trị từ sáng sớm đến chiều tối hầu như luôn được đặt trong tình trạng báo động. Tại xã Hải An (H.Hải Lăng), tiếng còi hú và những thông điệp cảnh báo bão của chính quyền địa phương được phát đi liên hồi. Lực lượng dân quân tự vệ cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng Mỹ Thủy (đóng trên địa bàn) đã giúp dân gia cố nhà cửa, kéo tàu thuyền lên bờ. Tại xã Hải An, xã Hải Khê (H.Hải Lăng) và xã Triệu Lăng (H.Triệu Phong), công tác di dân đến cuối giờ chiều 9.11 đã cơ bản hoàn thành. Nhiều đồn biên phòng, trụ sở trường học, trụ sở UBND xã kiên cố đã trở thành nhà chống bão của dân. Đến 19 giờ tối qua, toàn tỉnh di dời hơn 20.000 hộ dân/hơn 82.000 khẩu thuộc 141 xã, phường đến nơi an toàn.

Theo dõi vận hành xả lũ

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 114 hồ chưa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như hồ Đồng Bể (Thanh Hóa), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh) Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định). Các tỉnh Tây nguyên và tổng công ty cà phê có 51 hồ chứa hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn (Lâm Đồng).

Trước đề nghị của trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 về việc theo dõi sát và chỉ đạo chặt chẽ việc xả lũ của 19 hồ thủy điện hiện nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các hồ chứa vận hành theo đúng quy trình và phối hợp với địa phương để kịp thời thông báo cho người dân hạ du chủ động ứng phó, đồng thời các tỉnh thành tăng cường quản lý người đi lại sau bão lũ để tránh tai nạn đáng tiếc.

Hủy các chuyến bay do bão

Vietnam Airlines (VNA) dự kiến trong hôm nay (10.11) sẽ hủy tất cả các chuyến bay đi/đến sân bay Đà Nẵng và Huế trước 12 giờ. Để phục vụ khách tránh bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan, hôm qua 9.11, VNA đã điều chỉnh giờ khởi hành của 7 chuyến bay giữa Hà Nội/TP.HCM - Đà Nẵng sớm từ 1 - 3 tiếng và tăng thêm 3 chuyến trên 2 đường bay này. Trên đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM - Huế, VNA cũng đã điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến bay sớm từ 2 - 3 tiếng và tăng thêm 2 chuyến trên 2 đường bay này. VNA cũng đã hủy 2 chuyến bay trên đường bay giữa Hà Nội - Chu Lai (Quảng Nam) vào hôm qua.

Hãng Jetstar Pacific chiều 9.11 đã quyết định hủy 3 chuyến khứ hồi từ TP.HCM và 1 chuyến khứ hồi từ Hà Nội đến Đà Nẵng do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan. VietJetAir cũng đã hủy 4 chuyến bay đi/đến Đà Nẵng. Hãng này cho biết khách trên các chuyến bay bị hủy sẽ được chuyển sang chuyến bay tiếp theo dự kiến từ ngày 11.9 nếu thời tiết cho phép chuyến bay cất cánh, hoặc có thể hoàn vé, bảo lưu vé nếu có nhu cầu.

Trong khi đó, lãnh đạo ga Sài Gòn và ga Hà Nội cho biết các chuyến tàu ra bắc, vào nam vẫn khởi hành bình thường, chưa có kế hoạch tạm dừng. Lãnh đạo Bến xe Miền Đông (TP.HCM) cũng cho biết các chuyến xe khách đường dài ra miền Trung và miền Bắc vẫn xuất bến tại TP.HCM, khi đến nơi xảy ra bão, các chuyến xe này sẽ dừng lại để trú, tránh.

Mai Vọng

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.