Như vậy, chỉ trong vài tuần, chính quyền của ông Trump liên tục đưa ra nhiều chính sách thuế quan, khiến thương mại toàn cầu "nóng" chưa từng có. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, sự biến động đó không chỉ tác động đến các nền kinh tế trực tiếp can dự mà còn tạo ra ảnh hưởng gián tiếp, có thể gây nên thách thức không nhỏ đối với mọi nền kinh tế.
Nhìn về nền kinh tế VN, các động lực tăng trưởng then chốt là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, thương chiến ẩn chứa nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu nên gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu.
Mới đây, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất VN trong tháng 1.2025. Theo đó, PMI ngành sản xuất VN trong tháng 1 đạt 48,9 điểm, giảm hơn so với mức 49,8 điểm của tháng 12.2024. Như vậy, PMI ngành sản xuất VN có 2 tháng liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm - tức có mức giảm tổng thể so với tháng kế trước. Đây có thể xem là dấu hiệu cho thấy đơn hàng xuất khẩu đang giảm sút.
Về đầu tư, chúng ta có 2 phần chính là đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chính yếu. Tuy nhiên, FDI hiện nay có nhiều vấn đề cần giải quyết và thực sự giá trị giữ lại cho nền kinh tế không cao. Như vậy, song hành cùng nâng cao hiệu quả của khu vực FDI trong dài hạn, thì tăng cường hiệu quả đầu tư công đóng vai trò sống còn trong ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng.
Về động lực tăng trưởng tiêu dùng, thì năm 2024, dù cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng tích cực, chi tiêu của người dân đã hồi phục so với năm 2023 nhưng chưa đạt được kỳ vọng so với thời kỳ trước dịch Covid-19 (theo dữ liệu của Cục Thống kê). Chẳng những vậy, sự thay đổi về chuỗi cung ứng khiến dòng hàng hóa từ bên ngoài có thể khai thác thị trường VN, gây sức ép không nhỏ về cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa. Rủi ro này có thể khiến nền kinh tế VN không hấp thụ nhiều giá trị tăng trưởng ngay cả khi tiêu thụ nội địa tăng.
Như vậy, để nền kinh tế VN phát triển bền vững thì phải nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn cho doanh nghiệp VN cần đi cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này. Nếu tăng trưởng tín dụng quá "nóng" nhưng hiệu quả doanh nghiệp trong nước không tương xứng thì sẽ phát triển không bền vững. Nhưng đây chắc chắn không phải là điều có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Chính vì thế, trong ngắn hạn khi vẫn lệ thuộc vào xuất khẩu, thì cần nhanh chóng có những biện pháp ứng phó đòi hỏi sự linh hoạt cả về chính sách ngoại giao lẫn thương mại. Song song, đẩy nhanh quá trình tinh giản thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư công đạt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, cần sớm chuẩn bị các biện pháp phòng vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước khả năng hàng hóa các nước đang dư thừa sản lượng tràn sang VN.
Trước mắt, để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, chúng ta cần tăng cường chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp VN. Kết hợp thêm là các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, điển hình là duy trì mức giảm thuế giá trị gia tăng và sớm cải cách thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng giá trị giữ lại cho người dân để có nguồn lực tiêu dùng.
Bình luận (0)