Ứng viên giáo sư trẻ nhất 2022: 'Nếu được chọn lại, tôi vẫn quay về Việt Nam'

05/11/2022 08:15 GMT+7

Đó là tâm sự của ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2022, PGS-TS Lê Văn Cảnh khi được hỏi về sự lựa chọn quay lại Việt Nam sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở Anh năm 2010.

PGS-TS Lê Văn Cảnh là một trong số các ứng viên giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2022 (43 tuổi)

TRẦN ĐẠT

PGS-TS Lê Văn Cảnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), là một trong số các ứng viên trẻ tuổi nhất được xét đạt chuẩn giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước năm 2022.

Công bố hơn 30 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín

PGS-TS Lê Văn Cảnh (43 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam). Học xong phổ thông, ông Cảnh theo học Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (phân viện tại TP.HCM). Với kết quả học tập xuất sắc ở bậc ĐH, ông đã nhận được học bổng chương trình thạc sĩ Việt-Bỉ ngành cơ học xây dựng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chuyên ngành cơ học công trình.

Bước ngoặt đặc biệt phải kể đến năm 2005, sau khi học xong cao học, tiến sĩ Cảnh lại được chọn trao học bổng học tiến sĩ tại Trường ĐH Sheffield (Anh) theo chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TP.HCM. Năm 2010, hoàn thành chương trình học, ông về nước và công tác tại bộ môn Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Quốc tế.

Đến năm 2013, tiến sĩ Lê Văn Cảnh đạt chuẩn phó giáo sư và cũng năm đó đạt giải thưởng Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ trao. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông trong ngành cơ học là phương pháp số, phân tích dẻo các kết cấu xây dựng, mô phỏng đa tỷ lệ và tính toán đồng nhất vật liệu compostie. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và nhà nước, tiến sĩ Cảnh đã công bố 75 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó có 34 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín. Năm 2019, ông nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Cảnh hiện đang là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

N.NGỌC

Từng đứng trước nhiều lựa chọn

Từ khi học đại học, ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2022 đã phải đi dạy kèm để kiếm thêm các chi phí sinh hoạt vì gia đình chỉ chu cấp được tiền học phí. Nhưng chính những năm tháng khó khăn đã thôi thúc ông quyết tâm phải học thật tốt để có thể thoát khỏi khó khăn. Sau khi tốt nghiệp với kết quả loại giỏi ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chàng kỹ sư được chọn trở thành giảng viên của Trường CĐ Xây dựng số 2.

“Tôi cảm thấy mình may mắn hơn các bạn cùng trang lứa khi có thể chọn con đường học vấn để thay đổi cuộc đời mình. Khi tôi học xong thạc sĩ thì cơ hội tốt khác lại tới khi nhận được học bổng để trở thành nghiên cứu sinh. TP.HCM cho tôi cơ hội được ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu. Đây là một vinh dự và một trong những bước ngoặt lớn của đời tôi”, PGS Cảnh chia sẻ.

Ở thời điểm đó, ông Cảnh đứng trước nhiều sự lựa chọn nhưng vẫn quyết tâm đi học nước ngoài. “Và cho tới bây giờ, tôi thấy lựa chọn của mình khi đó là chính xác. Việc ra nước ngoài với tôi năm đó là một bước nhảy vọt về tư duy và cả sự nghiệp của mình”, ông cho hay.

Tháng 3 năm 2010, PGS-TS Lê Văn Cảnh hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành cơ học tính toán. Ông nhận được lời mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ dài hạn từ 3 trường ĐH của Anh, Úc và Scotland. Nhưng ông đã quyết định lựa chọn làm nghiên cứu trong thời gian ngắn và trở về Việt Nam.

Ông lý giải: “Nhiều người hỏi tôi về Việt Nam có tiếc nuối hay không khi ở bên Anh hay Úc thì điều kiện để làm việc tốt hơn, lương cũng cao hơn, ngay cả điều kiện học hành của con cái cũng tốt hơn… Tôi nhận được học bổng của thành phố cho, tôi được kỳ vọng sẽ có thể đem kiến thức quay về giúp ích quê hương thì tôi không nên phụ sự kỳ vọng đó. Tôi đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ của quê nhà”.

Hơn nữa, cũng theo ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2022 này: “Ở Việt Nam còn ba mẹ tôi, còn gia đình lớn của tôi. Quay về tôi sẽ có điều kiện chăm sóc và gần gũi ba mẹ hơn. Ở xa, tôi khó lòng báo hiếu ba mẹ được”.

Thật ra, ông nói thêm: “Tôi mạnh dạn về cũng một phần do ngành nghiên cứu của tôi chỉ cần một chiếc máy tính thật mạnh chứ cũng không cần phải có phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại nên việc cân nhắc về hay ở của tôi cũng không nặng nề. Tôi biết nhiều anh chị làm nghiên cứu khác, cần máy móc, cần phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại thì sẽ cân nhắc nhiều hơn. Tôi thấu hiểu chuyện này vì dù sao những người làm nghiên cứu cần lắm môi trường nghiên cứu thật sự”.

Ông Cảnh cùng với các sinh viên trong một hoạt động tại trường

N.NGỌC

"Tôi còn nhiều khuyết điểm…”

Ngoài việc nghiên cứu cho chính mình, PGS-TS Lê Văn Cảnh còn là trưởng một nhóm nghiên cứu mạnh của khoa Kỹ thuật và quản lý xây dựng. Một tuần ông dành ít nhất 2 buổi để gặp gỡ sinh viên trong nhóm nghiên cứu của mình, hỏi han và trao đổi các đề tài, các bài báo của sinh viên. Dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc nghiên cứu vì đó là đam mê của bản thân, nhưng ông Cảnh còn dành sự quan tâm cho lớp trẻ, các giảng viên trẻ và các sinh viên, học viên của mình.

Về điểm này, ông cho biết: “Một trong những mong muốn của mình khi về Việt Nam đó là có thể góp phần thay đổi được môi trường nghiên cứu, môi trường học thuật của quê nhà. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng để đem về những phần học bổng, những tài trợ từ bên ngoài về cho các bạn trẻ để động viên thầy cô, học viên, sinh viên cố gắng trong con đường nghiên cứu gian lao đã chọn”.

Ông nhìn nhận: “Những khó khăn, trở ngại trong nghiên cứu khoa học luôn có và rõ ràng ai cũng sẽ bị vướng mắc. Đặc biệt, tôi cũng biết, về mặt giấy tờ hành chính rất mất thời gian của các nhà khoa học khi ngay cả việc đấu thầu mua hóa chất, thiết bị nghiên cứu cũng khiến cho ách tắc công trình của các thầy cô”. Nên TS Cảnh mong muốn: “Doanh nghiệp quan tâm hơn tới những ứng dụng của các công trình mà những nhà khoa học đã nghiên cứu, có thêm những đầu tư tương thích để tiếp thêm sức mạnh cho các nhà khoa học Việt Nam”.

Khi được hỏi về hạn chế lớn nhất của mình, ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2022, khiêm tốn chia sẻ: “Nhiều lắm, tôi còn nhiều khuyết điểm. Tôi chưa có đủ sự tập trung cho công việc của mình trong khi tôi có thể làm hơn như vậy. Tôi, có đôi khi, bị sao nhãng vì những tác động bên ngoài. Nếu được, tôi sẽ cố gắng hơn cho việc tập trung mục tiêu của mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.