Ứng xử lệch chuẩn trong môi trường học đường là do đâu?

05/06/2020 13:07 GMT+7

Thực trạng sinh viên nói tục, đánh nhau, vô lễ với thầy cô..., còn giáo viên thì ứng xử vượt quá chuẩn mực sư phạm, đã được 'mổ xẻ' trong Hội thảo 'Văn hoá ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp' sáng nay 5.6.

Tác động của internet tới văn hóa ứng xử học đường

Tại hội thảo, đại diện các trường CĐ, trung cấp đã nêu ra thực trạng của văn hóa ứng xử trong môi trường học đường hiện nay. Thạc sĩ Phạm Thanh Tòng, đại diện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: "Học sinh sinh viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa ứng xử trong trường học. Một số chạy theo lối sống thực dụng, ứng xử chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam, thích thể hiện sự nổi trội trước bạn bè. Có em nghiện trò chơi điện tử hoặc có hành vi bạo lực trên mạng xã hội, chạy theo lối sống ảo, truy cập những thông tin xấu, độc hại... Các em có thể tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô tại trường học nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội lại thể hiện thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô".
Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, bên cạnh những sinh viên có ý thức, trách nhiệm và ứng xử có văn hóa thì vẫn còn một số sinh viên vi phạm nội quy như tác phong không nghiêm túc, thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi...
Trong khi đó, đại diện Trường CĐ nghề Kiên Giang nhìn nhận: "Những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt vơi nhiều biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức lối sống trên bình diện nói chung và trong môi trường học đường nói riêng. Tình trạng sinh viên nói tục, chửi thề, cãi vã, đánh nhau ở trong lẫn ngoài trường học xảy ra không hiếm. Không chỉ vậy, có em còn vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô cả ở ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Ngược lại, có giáo viên vượt quá chuẩn mực sư phạm... Dường như văn hóa ứng xử học đường trong thời gian qua tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn xem nhẹ do nhà trường chỉ tập trung vào dạy kiến thức mà quên đi dạy nhân cách sống cho học sinh, sinh viên".
Lý giải về thực trạng trên, ông Phạm Văn Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Long An, nhìn nhận: "Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do tác động của môi trường hội nhập quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, do thiếu sự giáo dục của gia đình, thiếu sự gương mẫu của cha mẹ... Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía các trường. Vẫn còn một số cán bộ, nhà giáo thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân dẫn đến hành vi xúc phạm thể chất, tinh thần học sinh, sinh viên, chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh, với người học...".
Ở góc độ sinh viên, Nguyễn Thị Thùy, sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, internet đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính vì điều này mà nhiều người gặp phải vấn đề không có kỹ năng giao tiếp trực diện nói riêng và kỹ năng về văn hóa ứng xử nói chung.

Cần ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học

Để hạn chế mặt trái của văn hóa ứng xử học đường, tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nêu quan điểm: "Giảng viên nên chủ động tạo lập các nhóm lớp, nhóm ngành thông qua các ứng dụng, mạng xã hội để nắm bắt thông tin nhanh chóng, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của sinh viên nhằm kịp thời theo dõi, đáp ứng, giải quyết những phản ứng chưa phù hợp, thiếu tích cực để phòng tránh. Giảng viên cần kịp thời động viên, tuyên dương những em có ứng xử tốt".
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Lâm, nhà trường cũng cần phổ biến, trang bị kiến thức cho cả cán bộ, giảng viên lẫn học sinh, sinh viên về Luật An ninh mạng, kỹ năng lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kỹ năng ứng xử đúng chuẩn...
Đại diện Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM đưa ra những giải pháp như tổ chức soạn thảo sổ tay học sinh sinh viên tích hợp đầy đủ các quy định về văn hóa ứng xử trong trường học, các văn bản pháp luật liên quan và tuyên truyền, tập huấn cho người học ngay từ đầu khóa. Đồng thời việc xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra Bộ quy tắc ứng xử của học sinh, sinh viên và công tác nâng cao năng lực ứng xử văn hóa của cán bộ giảng viên được trường chú trọng thực hiện.
Đại diện Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi, cho hay: "Trường đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' vì đội ngũ nhà giáo phải thực sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách mới có thể có ảnh hưởng và tác động tốt tới học sinh, sinh viên. Trường cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh để nâng cao tính răn đe đồng thời cũng có chính sách khen thưởng kip thời để động viên, khuyến khích đối với những học sinh, sinh viên thực hiện tốt".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.