Ứng xử ra sao khi gặp sản phẩm 'khuyết tật' ?

02/05/2021 07:00 GMT+7

Người tiêu dùng khi mua sản phẩm bị lỗi , phải làm thế nào để không bị cho là có động cơ, mục đích không trong sáng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng theo quy định pháp luật...

Trong vụ án dân sự “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (46 tuổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) và bị đơn là Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 20.4 vừa qua, sau phần thẩm vấn và tranh luận, TAND Q.5 (TP.HCM) quyết định tạm ngừng phiên xử sơ thẩm để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ làm rõ chai bia bị lỗi (nhãn hiệu Sài Gòn đỏ) có phải là sản phẩm của Sabeco hay không vì “khi phát hiện chai bia bị lỗi, tại sao không lập biên bản, nhờ chính quyền địa phương ký xác nhận”.
Năm 2014, khi phát hiện chai nước Number One của Tân Hiệp Phát có con ruồi bên trong, ông Võ Văn Minh (ngụ H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã yêu cầu công ty này phải dùng số tiền 1 tỉ đồng để mua lại chai nước. Sau đó, hai bên thương lượng và đồng ý với mức giá 500 triệu đồng cho chai nước có con ruồi và sự “im lặng” của ông Minh. Năm 2015, khi nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát tới gặp ông Minh để đưa tiền, thì ông Minh bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau đó, ông Minh bị tòa án tuyên 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Đáng chú ý, quá trình làm việc và hòa giải tại tòa, phía Sabeco yêu cầu tòa chuyển hồ sơ qua công an để điều tra làm rõ động cơ, mục đích của ông Du. Tháng 8.2019, ông Du yêu cầu khởi kiện bổ sung, đề nghị Sabeco bồi thường 23 tỉ đồng, tương đương 1 triệu USD (thời điểm đó). Tại phiên tòa ngày 20.4 vừa qua, ông Du rút nội dung yêu cầu bồi thường 1 triệu USD.
Vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm có lỗi, phải làm thế nào để không bị cho rằng có động cơ, mục đích không trong sáng và bảo vệ được chính mình, không vi phạm pháp luật…

Lưu giữ và giao nộp cho cơ quan thẩm quyền

Theo bà Phan Thị Việt Thu (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM), khi mua phải sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng có thể lựa chọn một trong các bước: liên hệ phía nhà sản xuất; gọi điện đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn; khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an.
Đối với việc lưu giữ, bảo quản vật chứng là sản phẩm bị lỗi, bà Thu cho hay căn cứ theo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 99/2011 của Chính phủ. “Khi khách hàng mua phải sản phẩm lỗi, nếu sản phẩm đó đã khui, khách hàng cần mời công an khu vực đến lập biên bản và có những người chứng kiến ký vào biên bản. Nếu sản phẩm chưa khui, chưa mở nắp, khách hàng không cần yêu cầu lập biên bản mà chỉ cần gọi hotline in ấn trên bao bì sản phẩm để thông báo với nhà sản xuất, đồng thời yêu cầu đại diện nhà sản xuất đến xác nhận sản phẩm. Từ đây, khách hàng và nhà sản xuất cần có thương lượng để đưa ra một phương án hợp lý nhất; trường hợp khách hàng và nhà sản xuất không có tiếng nói chung, khách hàng có thể tiếp tục khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hòa giải. Nếu hòa giải không thành, khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình”, bà Thu nhấn mạnh và cho biết thêm: “Quá trình hòa giải, khởi kiện, người tiêu dùng sẽ giao nộp sản phẩm bị lỗi cho các cơ quan thẩm quyền giải quyết vụ việc. Việc giao nộp sẽ được các bên lập biên bản và xác nhận”.
Với ý kiến cho rằng nếu chính quyền địa phương hoặc cá nhân, tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị lỗi không ký vào biên bản về việc phát hiện có sản phẩm bị lỗi, trong trường hợp này, bà Thu nêu người tiêu dùng có quyền đưa trực tiếp sản phẩm bị lỗi đến chính quyền địa phương gần nhất để khiếu nại, tố cáo hoặc nộp đơn khởi kiện ra tòa và cơ quan chức năng phải lập biên bản sự việc, thu giữ vật chứng và xác minh, làm rõ.

Được bồi thường theo luật định khi có thiệt hại

Luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo điều 23, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có “khuyết tật” do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh “khuyết tật”. Đồng thời, điều 8, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả.
Ngoài ra, luật sư Hùng nhấn mạnh luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 99/2011 quy định khi mua trúng sản phẩm hàng hóa có “khuyết tật”, thì người tiêu dùng sẽ được đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc buộc nhà sản xuất thu hồi sản phẩm bị lỗi; đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không đảm bảo chất lượng; nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại, việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Vậy yêu cầu bồi thường như thế nào là đúng quy định? Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay theo chương XX về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - bộ luật Dân sự 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. “Trong vụ kiện trên, người bị xâm phạm phải chứng minh việc mua hoặc sử dụng sản phẩm có lỗi của Sabeco đã ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng hoặc ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Từ đó, thiệt hại được bồi thường bao gồm tài sản bị mất, chi phí thực tế để khắc phục, thu nhập bị mất hoặc giảm sút (nếu có)... Riêng với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định, nếu không thỏa thuận được; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần không quá 50 lần mức lương cơ sở; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm, mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần không quá 10 lần mức lương cơ sở”, luật sư Tuấn nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.