Cười cho qua chuyện
"Mình nói khổ nhất là mỗi năm về quê ăn tết phải đối diện với những câu hỏi như: 'Bao giờ lấy chồng?, 'Năm này sao chưa thấy dắt anh nào về con?', 'Khi nào cho cô/chú uống rượu mừng đây?'... của người thân, bạn bè..., vì không biết trả lời thế nào”, Nguyễn Thị Tuyết Nhi (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) bày tỏ.
Nhi cho biết thêm kể từ ngày ra trường đến nay đã gần 3 năm và cũng đồng nghĩa với 3 cái tết Nhi phải đối diện với những câu hỏi trên. Nhưng khi được hỏi “mỗi lần như vậy bạn trả lời thế nào?”, thì Nhi chỉ cười và nói: “Y như thế này thôi ạ. Cười cho qua chuyện...”.
Đồng cảnh ngộ với Nhi, Tuyết Trinh (27 tuổi, nhân viên một ngân hàng tại TP.Đà Nẵng) cho biết cô đã bị hỏi những câu như vậy từ lúc còn là sinh viên. Bởi từ nhỏ, Nhi đã ít giao tiếp với người ngoài, đặc biệt là với con trai và khi lớn lên cũng vậy.
|
“Mẹ thấy con gái lớn mà không thấy con trai nào đến nhà chơi nên đâm ra lo lắng. Không chờ chi đến mấy dịp lễ, tết, bình thường trong những cuộc điện thoại mẹ cũng hỏi những câu đấy. Nhưng mình chỉ cười và nói tránh qua chuyện khác. Chứ thật sự mình chưa muốn lấy chồng. Giờ cứ nhắc đến chuyện này là mình cười hoặc tránh đi chỗ khác", Tuyết Trinh nói.
"Vài năm nữa con sẽ cưới"
Nhiều cô gái lại cho rằng việc im lặng và né tránh sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn bị hỏi nhiều hơn. Chính vì thế, họ chọn cách đối mặt và trả lời bằng những câu mà họ cho rằng sẽ hiệu quả hơn.
Nguyễn Bảo Yến (28 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) bật mí: “Nếu như là ba mẹ hỏi thì mình sẽ trả lời 'con gái ba mẹ đẹp thế này mà ba mẹ sợ ế à', hay 'ba mẹ cứ từ từ, vài năm nữa con sẽ cưới'. Cứ nói như vậy là ba mẹ yên tâm. Còn với người xung quanh thì cứ nói 'cô, chú cứ bỏ heo đất đi ạ', nói thế thì có thể không bị hỏi nữa”.
tin liên quan
Cười ngả nghiêng với bao lì xì“Thật ra, không phải là mình nói dối mà tại vào hoàn cảnh bắt buộc phải như vậy. Chứ chuyện duyên phận mà có ai ép được chứ, duyên đến thì mới cưới được...”, Yến giãi bày.
Còn cô nàng Trần Thị Thu Trúc (28 tuổi, sinh viên Trường ĐH Y dược Huế) thì chia sẻ: “Thông thường mình sẽ trả lời 'con còn trẻ mà, con tập trung học thôi'”.
Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo thì đầu tiên các bạn nên có cách nhìn và cảm nhận những câu hỏi này theo góc độ tích cực như một sự quan tâm của mọi người dành cho mình, hoặc ít ra đó chỉ là một câu hỏi cửa miệng đối với các cô gái đến tuổi cặp kê. Khi bạn có tư tưởng thoải mái, bạn sẽ cách ứng xử tốt nhất.
“Các bạn hoặc có thể chọn cách ứng xử mỉm cười, im lặng hoặc kèm theo câu trả lời dí dỏm như: cháu còn ham chơi lắm ạ, bố mẹ vẫn chưa duyệt cho con qua đâu cô, chú à. Hoặc mọi thứ còn bộn bề lắm cô, chú ơi, cháu còn phải học nhiều thứ lắm mới làm dâu làm vợ được... Cách trả lời còn ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn và gia đình bạn trong mắt láng giềng họ hàng, cho nên bạn cũng hết sức khéo léo và tế nhị để câu chuyện đầu năm vui vẻ”, chị Thảo khuyên.
Bình luận (0)