Ứng xử thông minh trước nhà tuyển dụng

01/08/2019 19:57 GMT+7

Khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hay hỏi ứng viên: 'Bạn còn câu hỏi nào muốn đặt cho công ty, doanh nghiệp của chúng tôi nữa không?'. Và khi gặp câu hỏi này, ứng viên sẽ ứng xử như thế nào để 'ghi điểm' với nhà tuyển dụng?

Theo anh Bùi Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Nam Việt, Q.Tân Bình (TP.HCM), sở dĩ nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này là vì họ muốn tìm hiểu xem mức độ quan tâm của bạn đến công ty họ là như thế nào? Tôi nghĩ, đây là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến công ty và vị trí làm việc, trên cơ sở đó để đánh giá nhà tuyển dụng có phù hợp với nhu cầu tìm việc hiện tại của mình hay không?

Sinh viên tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng

Lê Thanh

Hỏi những vấn đề gần gũi, thiết thực 

“Thường trong quá trình tuyển dụng, đến phần này tôi hay nhận được những câu hỏi của ứng viên dành cho công ty của mình đại khái thế này: Chiến lược của công ty của anh trong 5 năm tới là gì? Anh đánh giá như thế nào về chiến lược và tình hình hiện tại của công ty? Đối thủ cạnh tranh của anh hiện nay là ai? Mới nghe qua tưởng câu hỏi rất ghê gớm vì ứng viên toàn hỏi những câu mang tầm chiến lược, vĩ mô. Hẳn là nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao về mình vì những câu hỏi của mình quan tâm đến công ty của họ. Nhưng các bạn có thấy, những câu hỏi này có thực sự cần thiết cho vị trí ứng tuyển ban đầu của bạn không? Nhà tuyển dụng có thực sự đánh giá cao bạn qua những câu hỏi này? Tôi khuyên các ứng viên không nên đặt những câu hỏi như thế”, anh Toàn nói.
Anh Toàn cho rằng: “Ứng viên nên bám sát 2 ý nghĩa: Quan tâm đến công ty và lấy được một vài thông tin cho bản thân để viết ra các câu hỏi cần hỏi nhà tuyển dụng. Cụ thể, bạn hãy tìm hiểu trước thông tin công ty và một vài thông tin liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tại sao bạn lại nộp hồ sơ vào công ty và vị trí này? Mong muốn của bạn là gì? Có điều gì khiến bạn băn khoăn trong quá trình tìm hiểu về công ty, phòng ban mà bạn có thể sẽ làm việc? Văn hóa công ty, chế độ đãi ngộ, tình trạng của phòng ban bạn sẽ làm việc, cách thức đào tạo (khung đào tạo), khả năng thăng tiến... Khi bạn tự đặt ra cho mình những câu hỏi gần gũi và thiết thực nhất cho bản thân thì bạn sẽ biết bạn đang cần gì và sẽ biết đặt ra những câu hỏi gì cho công ty”.

Ứng viên hãy tự tin trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng

Lê Thanh

Tìm hiểu thông tin từ người quen

Còn anh Nguyễn Hùng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thi công Bình Giả, Q.7 (TP.HCM), trước khi bạn đến phỏng vấn ở công ty nào thì bạn nên có sự liên hệ với bất kỳ ai mà bạn quen (nếu có) đang làm việc tại công ty ấy. Hoặc liên hệ với những người đã từng làm việc tại công ty bạn sẽ ứng tuyển. Chắc chắn việc làm này rất hữu ích cho bạn trong quá trình tìm kiếm thông tin để chuẩn bị một vài câu hỏi “bỏ túi” đặt ra cho nhà tuyển dụng, nếu họ có yêu cầu.
“Hãy vận dụng các mạng xã hội mà bạn đang sử dụng: Facebook, LinkedIn... Nhưng tôi đề xuất là nên dùng LinkedIn, vì bạn có thể dễ dàng kết nối và tìm kiếm 'người quen' của mình ở trên này. Và ngay từ bây giờ hãy xây dựng cho mình 1 profile đẹp trên LinkedIn nhé! Kết nối với mọi người và thường xuyên tương tác với những người khác”, anh Điệp khuyên.

Ứng viên có thể hỏi nhà tuyển dụng để hiểu hơn về công việc, công ty

Lê Thanh

Trong khi đó, chị Trần Thị Ngọc Thúy, Trưởng phòng nhân sự Công ty hóa mỹ phẩm và thời trang Trần Loan, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng: “Ứng viên có thể phỏng vấn lại nhà tuyển dụng/người phỏng vấn để xem cảm nhận của người này với công ty là như thế nào? Ví dụ, bạn có thể hỏi ngược lại người phỏng vấn bạn những câu đại loại như: Điều gì khiến anh không hài lòng nhất khi làm việc ở công ty này? Nếu cho anh được phép thay đổi một điều tại công ty, anh sẽ thay đổi điều gì? Sau cuộc phỏng vấn này, điều gì khiến anh, chị ấn tượng nhất về em? Lưu ý các câu hỏi nên đặt ra bám sát theo mục đích muốn tìm hiểu của bản thân...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.