Hội thảo “Kinh tế VN 2017: Kinh doanh, đầu tư trong một thế giới đang thay đổi” do Thời báo Kinh tế VN tổ chức ngày 9.3 tại TP.HCM đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng nhất hiện nay, trong đó có việc thu hút và sử dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn FDI đổi ngôi
Sau sự kiện Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ với các chính sách mới, trong đó có việc rút khỏi TPP và xu hướng kêu gọi nguồn vốn đầu tư Mỹ quay lại thị trường nội địa, nhiều dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp vào các quốc gia nói chung và VN nói riêng sẽ bị ảnh hưởng.
Tại VN, từ nhiều năm qua, Hàn Quốc thường dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN. Trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất vào VN hầu như ít có sự góp mặt của các nhà đầu tư Trung Quốc. Thế nhưng theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, 2 tháng đầu năm nay bảng xếp hạng các quốc gia có vốn FDI vào VN đã đổi chỗ. Trong đó, Singapore vươn lên đứng nhất với tổng vốn đầu tư 881,6 triệu USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 721,7 triệu USD và Hàn Quốc bị đẩy lùi xuống vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 637,1 triệu USD. Như vậy, dòng vốn FDI đến từ Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.
|
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) đặt vấn đề: Từ tháng 7.2017, VN không được vay vốn nước ngoài theo điều kiện ODA mà phải vay theo điều kiện thị trường. Rồi Hiệp định TPP không thực thi, vậy những dự báo rằng các khoản đầu tư FDI đón đầu hiệp định này sẽ có thể không còn nữa khiến vốn FDI nói chung bị chậm lại. Vậy giải pháp của VN sẽ là gì? Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng năm nay thách thức mới đối với VN bao gồm hàng hóa xuất khẩu có thể bị kiểm soát chặt hơn; Rủi ro tài chính toàn cầu nếu Mỹ từ bỏ vai trò kiểm soát và vốn FDI trở nên khan hiếm hơn… Trong đó, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đang nổi lên là nguồn quan trọng nhất sau vốn ODA. Trung Quốc hiện nay là nước thừa vốn nhất. Đây cũng là quốc gia đang đầu tư lớn nhất vào nhiều nước, đặc biệt trong khu vực ASEAN. “Các nước thiếu vốn đầu tư đều đang dòm ngó vào Trung Quốc. Vậy không có lý gì chúng ta lại lờ nó đi. Đồng vốn không chờ đợi ai mà nó phải được chi tiêu. Nếu chúng ta thờ ơ thì sẽ đi sau các nước khác như Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan… đều có chiến lược chạy đua hút vốn đầu tư từ Trung Quốc nằm trong chiến lược gọi vốn FDI nói chung”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Không thể "ghét thì không chơi"
Nói đến nguồn vốn FDI, đặc biệt vốn từ Trung Quốc, một số đại biểu băn khoăn về chất lượng đầu tư, ô nhiễm môi trường hay e ngại sự lệ thuộc quá nhiều vào quốc gia này. Nhưng chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho rằng Trung Quốc là một thị trường lớn, là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Đây cũng là đối tác thương mại lớn nhất của VN. Hằng năm, có hàng ngàn doanh nghiệp VN đã và đang làm ăn với Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo ngại có hay không thể không chơi với Trung Quốc. Dù là thương mại, dù là nguồn vốn, du lịch hay bất cứ lĩnh vực nào, thì mọi thứ đều có một nhân tố quan trọng để điều chỉnh là cơ chế thị trường. Thị trường đó đã có luật chơi ít nhiều được xác định thông qua các hiệp định thương mại như WTO, ASEAN + Trung Quốc… Vì vậy, việc tận dụng thị trường Trung Quốc là một thách thức và cơ hội, gắn liền với các hiệp định thương mại. Bản thân VN phải có nguyên tắc để đối xử chứ không phải theo quan điểm “ghét là không chơi”.
“Chúng ta có thể giảm thiểu các rủi ro bằng đa dạng hóa thị trường và nguồn vốn. 16 hiệp định thương mại mà VN đã tham gia là cơ hội để giảm rủi ro phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào. Không chỉ Trung Quốc, "chơi" với ai cũng vậy, điều quan trọng nhất vẫn nhớ là tuân theo quy luật thị trường. Nhìn về vấn đề dài hạn, làm sao công nghệ, quản lý đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Còn liên quan đến nhiều vấn đề khác thì mình phải có nguyên tắc, cách ứng xử phù hợp và khéo léo”, TS Võ Trí Thành nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh: Chúng ta không thể thoái vốn Trung Quốc được trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quan trọng nhất là chúng ta phải có cách thức kiểm soát phía sau dòng vốn đó. VN có thể bắt chước câu chuyện Phần Lan rời khỏi Nga nhưng vẫn hợp tác hiệu quả với nước Nga để phát triển kinh tế. Đó mới là cách hội nhập toàn cầu hóa thông minh, mới xứng tầm là một quốc gia thông minh.
Bình luận (0)