Nếu có được sự đồng cảm đó, nhà giáo sẽ có sự cảm hóa mạnh mẽ học sinh, tạo ra sự quyền uy cho mình trong việc thuyết phục các em.
Trên mạng xã hội từng có câu chuyện rất xúc động về một cậu học trò. Vì đi học muộn nên cậu bé bị thầy giáo phạt trong nhiều buổi.
Học sinh im lặng, chấp nhận hình phạt bị thầy đánh vào bàn tay. Một hôm, thầy tình cờ chứng kiến nam sinh này có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên thường đến lớp muộn. Em vẫn tiếp tục đi trễ, nhưng lần này thầy giáo không phạt, mà ôm học trò vào lòng, đồng cảm cho em.
Đây là phim ngắn Don't judge (tạm dịch Đừng vội đánh giá) của Albania trên YouTube, khiến nhiều người cảm động. Một số video khác có nội dung tương tự phim ngắn cũng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Câu chuyện trên rất có ý nghĩa với những người làm công việc giáo dục. Nếu không tìm hiểu hết hoàn cảnh của học sinh, mà cứng nhắc, máy móc, áp đặt một cách nguyên tắc, lạnh lùng thì chỉ có tác dụng nhất thời, thiếu nhân bản.
Không có học trò chỉ toàn khiếm khuyết
Không có học sinh xấu hoàn toàn, chẳng qua là do thầy cô chưa phát hiện ra cái đẹp của các em. Chẳng có học sinh nào là không có ưu điểm, thế mạnh về một sở trường, một năng khiếu nào đó, chẳng qua là các em chưa có điều kiện để bộc lộ. Khi phát hiện lỗi sai của học sinh, nếu chịu khó tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dễ khiến chúng ta cảm thông hơn, động viên hơn là hậm hực hăm he xử phạt.
Nhiều học sinh ra đời thành đạt, trở về thăm thầy cô trong các dịp 20.11, lễ tết, thừa nhận rằng trước đây mình học kém môn này môn nọ, nhận lỗi với giáo viên mình là học sinh cá biệt trong lớp những năm ấy và đã làm khổ cho thầy cô ít nhiều. Do đâu mà họ nhắc lại những chuyện ấy, vì họ hiểu được sự đồng cảm, cách giáo dục bằng thương yêu của thầy cô cũ.
Bản thân người viết bài này đã từng chứng kiến một học sinh (hơi cá tính) ngay sau khi ra trường đã "đoạn tình" với giáo viên chủ nhiệm của mình. Vì trong năm cuối cấp, cô giáo đã quá "khắc nghiệt" trong cách giáo dục với em. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đậu vào một trường cao đẳng. Ra trường, em có công việc ổn định, tính cách chững chạc, chín chắn khác hẳn thời học sinh.
Mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn bằng tình yêu thương
Một giáo viên THPT kể lại tình huống khá hy hữu xảy ra với mình: Học sinh trong lớp giáo viên này chủ nhiệm vi phạm nội quy vì ăn vặt (bánh tráng trộn) trong lớp. Giám thị trừ nhiều điểm thi đua lớp nên thầy rất bức xúc và dự định sẽ phạt nặng học sinh.
Bất ngờ, trong buổi trưa hôm ấy, một phụ huynh gọi điện trao đổi với thầy và nhận lỗi về sự việc, mong thầy đừng phạt các em. Số là, nhà phụ huynh này có hoàn cảnh khó khăn, nên phụ huynh nhờ con đem vào lớp bán (bánh tráng trộn) cho các bạn để có thêm tiền trang trải việc học.
"Từ hậm hực chuyện học sinh ăn vặt trong lớp, tôi thấy nhẹ nhõm khi hiểu ra cơ sự: Học sinh trong lớp đã có tinh thần tương thân tương ái với nhau. Chiều hôm ấy, tôi nói với lớp, thầy không phạt các em, nhưng thầy chỉ tiếc là các em đã giúp bạn không đúng cách. Các em giúp bạn như thế là vô tình "làm khó" cho bạn. Lần sau có mua giúp bạn thì tìm chỗ ăn đúng nơi. Sau đó, tôi không thấy các em ăn trong lớp nữa...", thầy giáo chia sẻ.
Trong lời đề từ truyện ngắn Nước mắt, tác giả Nam Cao đã dẫn câu nói của nhà văn Pháp Francois Coppée: "Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ".
Đại ý câu này là, nếu ta nhìn người hời hợt, lạnh lùng, hẹp hòi, thì ta chỉ thấy toàn hư hỏng, xấu xa. Nhưng nếu ta nhìn nhận bằng tình thương yêu, sự trân trọng, thấu hiểu, ta sẽ hiểu đúng bản chất đối tượng, và người đời sẽ tốt đẹp hơn dưới cái nhìn của chúng ta.
Việc giáo dục học sinh cũng thế, nếu lấy "nước mắt" ra ứng xử thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, sẽ yêu thương học trò nhiều hơn!
Bình luận (0)