Ứng xử với rác thải trên biển

08/07/2024 04:07 GMT+7

Mô hình tự thu gom rác thải khi đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân Nghệ An đang tạo được thói quen rất đáng khích lệ trong việc thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường biển.

Mới đây, Hội nghề cá P.Nghi Thủy (TX.Cửa Lò, Nghệ An) ra mắt mô hình thu gom rác thải rắn từ biển về bờ với 38 chủ tàu cá ở địa phương cam kết tham gia. Ngoài việc tập huấn, hướng dẫn ngư dân phân loại rác thải từ trên tàu, chính quyền địa phương còn tặng thùng đựng rác cho các tàu cá. Hiện P.Nghi Thủy có 96 tàu cá, trong đó có 41 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương.

Có thể nói, việc xả rác thải (bao bì, vỏ lon, chai nhựa, xốp, bao tay…) xuống biển từ lâu đã là "thói quen" của rất nhiều ngư dân, bởi họ cho rằng đó là việc bình thường, không ảnh hưởng đến ai. Thế nhưng, chính rác do ngư dân thải xuống biển ngay sau đó đã gây hậu quả nhãn tiền khi bám dính vào lưới, ngư cụ, gây hư hỏng thiết bị tàu. Về lâu dài, rác thải đe dọa hệ sinh thái biển, gây suy giảm nguồn lợi hải sản. Sau những đợt mưa lũ, biển động, rác bị sóng đánh dạt vào bờ, tạo thành những bãi rác thải khổng lồ, gây mất mỹ quan du lịch biển. Ngoài lượng rác thải từ đất liền theo sông đổ ra biển, lượng rác thải từ biển theo gió mùa, dòng hải lưu di chuyển về phía bờ biển là rất lớn.

Việc thay đổi nhận thức thu gom rác thải trên biển ở P.Nghi Thủy được ông Phùng Bá Thu, một chủ tàu cá, thực hiện từ năm 2017. Ông Thu ra quy định đối với các thuyền viên trên tàu về nguyên tắc rác tái chế, khó phân hủy phải được gom lại, đưa vào bờ. Sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày, những bao tải rác thải phế liệu được phân loại, buộc gọn gàng để mang về. Phế liệu ông cho gom lại, sau nhiều chuyến đi biển sẽ đem bán lấy tiền hỗ trợ thuyền viên có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ giữ biển sạch và làm thay đổi thói quen của ngư dân trong việc bảo vệ môi trường biển, việc tự thu gom rác trên tàu cá còn mang lại lợi ích kinh tế. Một cán bộ P.Nghi Thủy cho biết nếu phế liệu được thu gom triệt để từ các tàu cá xa bờ của phường này, mỗi năm sẽ bán được khoảng 40 triệu đồng. Sau khi áp dụng hiệu quả đối với tàu xa bờ, chính quyền địa phương sẽ nhân rộng mô hình này cho các tàu cá đánh bắt gần bờ.

Mô hình thu gom rác thải trên tàu cá cũng được ngư dân Phan Văn Hải (ngụ xã Quỳnh Lập, TX.Hoàng Mai, Nghệ An), Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Lập, thực hiện cách đây ít năm. Ông Hải có 5 tàu đánh bắt xa bờ. Lo lắng, trăn trở vì rác thải trên biển do chính ngư dân thải xuống, ông lập đề án ngư dân bảo vệ môi trường biển và đề xuất với chính quyền xã xây dựng mô hình cho các ngư dân. Đến nay, hàng chục tàu cá xa bờ của địa phương đã thực hiện mô hình này với quy trình: rác thải được mang về bờ, giao lại cho hội phụ nữ phân loại, bán ve chai sung quỹ từ thiện.

Việt Nam hiện có gần 87.000 tàu thuyền khai thác thủy sản với hàng trăm ngàn người sinh hoạt, làm việc dài ngày trên biển nên lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Việc chính quyền áp dụng mô hình tự thu gom rác thải cho ngư dân để làm thay đổi nhận thức việc bảo vệ môi trường biển là rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng cho cả nước. Đây chính là hành động thiết thực, hữu ích của ngư dân đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn sống của chính họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.