Ước mơ đi học của 2 'công chúa nhỏ' bán vé số giúp cha ở Sài Gòn

30/03/2017 14:02 GMT+7

Đi học là điều bình thường với bao đứa trẻ khác nhưng lại là điều xa xỉ của hai chị em Phướng, đang phụ cha bán vé số ở Sài Gòn. Với hai em, được đến trường, được học chữ là những điều tuyệt vời nhất trên đời.

Thoạt nhìn qua, chắc ai cũng nghĩ hai bé Phạm Thị Hồng Ngọc Phướng và Phạm Thị Hồng Ngọc Đa Đa chỉ mới 3, 4 tuổi dù cả hai đều đã 5, 6 tuổi rồi.
Phướng và Đa ốm nhom trong bộ quần áo lấm lem, thế nhưng, đôi mắt sáng long lanh và thái độ lễ phép của hai em với mọi người xung quanh khiến ai tiếp xúc cũng cảm thấy vui lòng.
VIDEO: Ước mơ đi học của hai đứa trẻ bán vé số ở Sài Gòn - Thực hiện: Vũ Phượng
Lo cơm từng bữa
Năm 2009, bà Phạm Thị Hồng Sang, khi ấy 37 tuổi lên chăm mẹ bệnh nặng tại Bệnh viên Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM). Một lần xuống cổng bệnh viện mua đồ, bà tình cờ gặp ông Huỳnh Văn Châu, khi ấy 55 tuổi và hai người bắt chuyện làm quen vì cùng quê Bình Phước. Khi bệnh tình của mẹ trở nặng, bà Sang đưa mẹ về quê nhà để gặp mặt con cháu những ngày cuối đời. Sau khi lo xong hậu sự, bà lên lại thành phố và tìm gặp ông Châu.
Căn nhà trọ chút xíu của vợ chồng bà Sang chứa đầy đồ đạc cũ của những người có lòng mang đến cho Ảnh: Vũ Phượng
Ông Châu khi ấy cũng đã bỏ vợ, một mình lang thang khắp Sài Gòn. Thấy ưng bụng và đồng cảm nên ông Châu và bà Sang đã dọn về ở với nhau mà không có hôn thú. Hai năm sau, ông bà vui mừng đón bé Phướng chào đời. Thêm 1 năm nữa, gia đình nhỏ có thêm thành viên thứ 4, đó là bé Đa Đa. Cuộc sống đã khó khăn, nay lại thêm cơ cực, bao nhiêu chi tiêu trong nhà phụ thuộc hết vào xấp vé số của hai vợ chồng.

tin liên quan

Cậu bé ung thư ước mơ làm CSGT: Biến điều ước thành sự thật
Cậu bé Lê Văn Khang đang điều trị ung thư xương ác tính tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ước mơ cháy bỏng trở thành CSGT từ nhỏ. Thế nhưng, ước mơ của Khang ngày một xa dần vì có thể em phải tháo cánh tay của mình. Ngày 23.3, một 'phép màu' đã xảy ra với Khang. 
Đã vậy, vợ chồng bà Sang lại thay phiên nhau... bệnh, thành ra tiền thuốc, tiền bệnh viện, tiền nhà trọ, tiền ăn cứ dồn dập khiến nhiều đêm anh chị không ngon giấc. Do đó, gia đình nhỏ của ông bà cơm từng bữa chưa đủ no thì làm sao có thể nói đến chuyện đi học của hai đứa trẻ.
Theo cha mẹ bán vé số
Chúng tôi tìm gặp đến căn nhà trọ của vợ chồng bà Sang sau khi nghe câu chuyện của ông bà từ một đồng nghiệp. Căn nhà trọ nhỏ xíu, chưa đầy 15 mét vuông, chỉ đủ trải cái chiếu, kê cái bếp gas và cái bàn học còn ngổn ngang để bé Đa Đa học bài.
Bé Đa Đa rất ham học, được mẹ chỉ cho chữ nào là nhớ liền chữ đó Ảnh: Vũ Phượng
Bà Sang đang nằm xoa bụng trên chiếu sau ca phẫu thuật bàng quang vừa rồi. Nói với giọng mệt mỏi, bà cho biết: "Bình thường mỗi ngày từ 7 giờ sáng, bé Phướng sẽ theo cha đi bán vé số ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Võ Thị Sáu, còn bé Đa Đa theo mẹ bán tại đoạn đường Tú Xương. Thế nhưng tôi mới phẫu thuật, bác sĩ dặn không di chuyển nhiều nên phải ở nhà. Tất cả chi phí lúc này phụ thuộc hết vào những tờ vé số của ông xã".
Ở nhà Đa Đa phụ mẹ làm việc nhà mà không hề than thở một câu Ảnh: Vũ Phượng

“Chồng tôi bị khớp nặng, đi lại khó khăn, lại thêm cả bệnh gan nên nổi mụn đỏ đầy người nhưng cũng vẫn phải đi bán để kiếm từng bữa cơm. Bé lớn thì đi theo phụ ba mỗi lần đưa vé số hoặc thối tiền cho khách. Ngồi ngoài đường thì biết là nắng rồi nhưng không bán vé số thì còn biết làm gì đâu”, bà Sang trải lòng.
Góc học tập của bé Đa Đa là một chiếc bàn bằng ván ép và còn ngổn ngang giấy dò xổ số Ảnh: Vũ Phượng
Cũng theo bà Sang, vì họ hàng của cả bên chồng và bên bà đều “mạnh ai nấy sống” nên cũng không nhờ vả được ai. Có những ngày vợ chồng và hai đứa con phải ăn cháo với muối trắng cho qua bữa. Hai đứa nhỏ như hiểu hoàn cảnh gia đình và thương cha mẹ nên cũng không đòi hỏi gì.
Đồ chơi của Đa Đa và chị đều là của những người đi đường mang đến cho Ảnh: Vũ Phượng
Ước mơ đi học
Trong căn phòng trọ chất đầy đồ dùng mua lại từ vựa ve chai, bé Đa Đa chọn “góc học tập” cho mình là một chiếc bàn bằng ván ép ngổn ngang giấy dò xổ số. Quyển vở duy nhất của bé Đa Đa cũng được một người tốt bụng mang đến cho. Đa Đa rất ham học, lúc nào trên tay em cũng cầm quyển vở với những nét chữ do chính mình viết rồi líu lo tập đọc, đôi khi em còn nhờ mẹ đọc cùng.
Con chưa có được đi học, ở nhà mẹ con dạy cho con học. Con dạy lại cho chị hai con mấy lần rồi mà chị hai con cứ viết lộn hoài. Ba con không có tiền cho con đi học, mấy bạn kia có tiền đi học mà mấy bạn đó còn khóc nữa”
 Đa Đa
Khi chúng tôi hỏi con có muốn được đi học không, Đa Đa hồn nhiên trả lời: “Con chưa có được đi học, ở nhà mẹ con dạy cho con học. Con dạy lại cho chị hai con mấy lần rồi mà chị hai con cứ viết lộn hoài. Ba con không có tiền cho con đi học, mấy bạn kia có tiền đi học mà mấy bạn đó còn khóc nữa”.
Nhìn về hướng con, bà Sang tự hào tâm sự: “Bé út thông minh lắm, chỉ một lần là nhớ liền, tối ngày đọc chữ với hát hò. Mỗi lần học chữ là đòi má chỉ, mà mắt tui một bên đâu có thấy rõ, phải kêu con tới sát bên ngồi mới biết đường mà chỉ”.
Học được một lát, Đa Đa lại lấy “kho đồ chơi” của mình ra rồi tròn xoe mắt thích thú khoe: “Đây là đồ chơi người ta cho chị con khi ngồi bán với ba. Chị mang về con giành với chị thì ba nói ba buồn nên hai chị em con không giành đồ chơi với nhau nữa mà chơi chung”.
Trong khi Đa Đa và mẹ ở nhà thì ông Huỳnh Văn Châu, chồng bà Sang và bé Phướng vẫn phải bán vé số ở vỉa hè ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Võ Thị Sáu. Lúc chúng tôi đến, cha con ông đang ngồi thẫn thờ nhìn vô định về dòng xe chạy vội vã dưới trời nắng gắt. Bên cạnh là tấm giấy in dòng chữ: “Bị bệnh, cô bác mua vé số giúp đỡ”. Dưới cái nắng oi ả giữa trưa "giáng" thẳng xuống đầu mà cha con ông Châu vẫn kiên trì ngồi núp dưới 1 chiếc dù cũ nát với xấp vé số trước mặt.
Bao nhiêu mệt nhọc của ông Châu tan biến hết khi con gái luôn ríu rít ở bên Ảnh: Vũ Phượng
Ông Châu chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán được 150 tờ vé số, có ngày không hết còn phải mang về trả. Bán được ít vầy nên cha con cũng không dám ăn trưa, đợi chiều chiều về nhà rồi ăn cơm luôn. Có khi nào bé kêu đói mới dám mua cho bé cái bánh ăn dằn bụng thôi. Ngày trước khi mới sinh đứa sau, người ta nói đem con cho họ đi rồi họ trả 100 triệu cho đỡ khổ, nhưng mà sao mình sống bằng số tiền đó được nên tôi không chịu. Thà cả nhà cùng chịu khổ chứ lương tâm tôi không cho phép”.
Những lúc mệt vì nắng, bé Phướng ngồi dựa hẳn vào lòng ba chứ không dám nằm xuống vỉa hè Ảnh: Vũ Phượng
Mỗi khi có khách dừng xe hỏi mua vé số, bé Phướng đều chủ động đứng lên lấy tiền và nhanh nhảu nói “Con cảm ơn”. Giống như Đa Đa, bé Phướng có đôi mắt sáng và luôn lễ phép với người lớn. Sau khi chúng tôi đã làm quen, hỏi chuyện, bé Phướng mới mạnh dạn tâm sự: “Con đi bán vé số thấy mấy bạn ngồi trên xe buýt đi học hoặc được ba mẹ chở đi học con thấy thích lắm. Em con nó không đi học mà viết được chữ a, ă, â hay lắm, nó dạy con mà con quên hoài. Con cũng thích đi học lắm”, nói rồi em cúi xuống như suy nghĩ một điều gì đó.
Ước mơ đi học với chị em bé Phướng và bé Đa Đa là một điều 'xa xỉ' mà gia đình em cũng không dám nghĩ đến Ảnh: Vũ Phượng
Vậy đấy, những điều thật bình thường của bao đứa trẻ khác lại là điều xa xỉ với Phướng và Đa Đa. Ước mơ được đến trường, được học chữ, được có bạn bè tưởng như thật giản đơn nhưng thực tế lại rất xa tầm với trong khi gia đình cơm từng bữa chưa no. Rồi mai sau, tương lai của hai em sẽ đi về đâu nếu tiếp tục theo cha, mẹ bán vé số mưu sinh giữa cuộc sống xô bồ này?...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.