Mẹ không thể bỏ con
Hoàng (7 tuổi, trú tại thôn Trường Xuân, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi đang là thai nhi nằm trong bụng mẹ đã được bác sĩ chẩn đoán bị dị tật đôi chân bẩm sinh.
|
Cuộc “vượt cạn” của chị Tuyết cũng gặp khó khăn vì ngôi thai không thuận. Hoàng sinh ra bị ngạt, người tím tái nhưng may mắn được các bác sĩ cứu sống. Hành trình sống đối diện với muôn vàn khó khăn của Hoàng và người mẹ đơn thân từ đây bắt đầu.
“Do khi sinh ra bị ngạt nên sức khỏe Hoàng rất yếu. Nuôi được 1 tháng thì nó bị viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị. Sau hơn 1 tháng điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đến trung ương thì con tôi mới hồi phục. Quá trình lớn lên Hoàng cũng hay đau ốm nên phải thường xuyên đi bệnh viện. Số tiền mà tôi tích góp được cũng ngày càng cạn dần”, chị Tuyết nhớ lại.
|
Năm Hoàng lên 2 tuổi, chị Tuyết đành gửi lại con trai cho mẹ ruột chăm sóc để ra nước ngoài làm thuê. Số tiền kiếm được, mỗi tháng chị Tuyết gửi về quê lo cho con trai. Dù xa mẹ suốt 2 năm trời nhưng nhờ tình yêu thương bao bọc của bà ngoại nên cơ thể Hoàng dần cứng cáp. Chỉ có đôi chân của em, tuy vẫn dài ra nhưng không làm sao để đi lại được.
“Gần 2 tuổi thì con trai tôi mới biết bò. Càng lớn thì 2 chân nó cong chìa ra hai bên như hình chữ V. Mặc dù nó đã không ngừng cố gắng và tập luyện nhưng đành bất lực vì không thể đứng lên trên 2 bàn chân để đi lại như người bình thường được”, chị Tuyết nói mà nước mắt cứ trào ra.
|
Thiệt thòi thì nhiều không kể hết, nhưng đổi lại Hoàng được người mẹ không ngại gian khổ và luôn ân cần chăm sóc nên em vẫn có được cuộc sống tràn đầy tình thương. Sau 2 năm đi làm thuê ở nước ngoài, chị Tuyết trở về để chăm con. Cuộc sống của hai mẹ con dù cực khổ nhưng tràn ngập tiếng cười. Năm 2018, chính quyền địa phương đã xây cho chị Tuyết căn nhà để mẹ con Hoàng có chỗ ở nuôi nhau.
Tại sao chân con không đi được?
Hoàng chưa thể nhận ra cơ thể mình bị khiếm khuyết vì tuổi còn quá nhỏ. Nhưng khi đã cảm nhận được cuộc sống, nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy, vui đùa thì Hoàng mới bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao chân con không đi được?”.
“Câu hỏi ấy khiến tôi vô cùng đau đớn. Tôi chỉ biết trả lời là do con bị dị tật bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ. Đến giờ thì nó đã lớn khôn, đã hiểu được mọi chuyện nên không còn hỏi nữa. Mới đây, tôi đưa Hoàng đi khám, các bác sĩ bảo con trai tôi nếu được phẫu thuật sớm thì có khả năng đi được. Nhưng tôi… không có tiền. Đến chiếc xe lăn tôi cũng không mua nổi cho cháu”, chị Tuyết nói như tự trách mình.
|
|
|
|
Năm nay Hoàng đã lên 7 tuổi, cao chưa đến 1 m, nặng khoảng 30 kg và đang học lớp 2A của Trường tiểu học Kỳ Hợp (xã Kỳ Hợp). Do Hoàng không thể đi lại được nên chị Tuyết hàng ngày phải dùng xe đạp, chở con trai vượt 3 km từ nhà đến trường theo học và tan học lại đến đón về.
Gặp Hoàng ở trường trong giờ ra chơi, Hoàng tỏ ra là một cậu học trò vô cùng hoạt bát khi chơi với các bạn. Cậu học trò này dùng 2 tay chống xuống đất kết hợp cùng 2 chân bò đi xung quanh lớp, thậm chí bò lên tầng 2 rất nhanh, các bạn cùng lớp đi bộ theo không kịp. Những em học sinh trong trường cũng vô tư chơi đùa cùng với Hoàng như những bạn học bình thường khác.
|
|
|
Khi vào giờ học, Hoàng ngồi ngay ngắn trên ghế, chăm chú đưa vở tập viết ra luyện chữ. Những con chữ nắn nót viết ra dù chưa được đẹp lắm nhưng khá tròn trịa là nỗ lực không biết mệt mỏi của Hoàng suốt 2 năm theo học theo dạng hòa nhập tại trường.
Có xem đoạn clip mà nhà trường quay lại cảnh hồi năm học lớp 1 của Hoàng mới biết được nghị lực vươn lên để học tập của cậu bé này. Khi ấy, do sức khỏe yếu nên Hoàng phải nằm trên chiếc thảm hình chữ nhật đặt trước bục giảng, ê a tập đọc cùng với các bạn trong lớp. Cạnh đó là chiếc bàn đặc biệt mà nhà trường mua cho Hoàng để em ngồi học bài trong giờ luyện chữ.
|
|
|
Thầy Nguyễn Tấn Đạt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Hợp cho hay, ngay sau khi tiếp nhận em Hoàng vào trường, ngoài việc mua bộ bàn ghế phù hợp với thân hình của cậu học trò khuyết tật thì nhà trường còn hỗ trợ thêm sách vở, áo quần để em có được sự thoải mái hòa nhập với bạn bè. Trong giờ học, lúc nào cảm thấy mệt thì Hoàng có thể nằm nghỉ ngay trong lớp.
|
|
“Em Hoàng có rất nhiều tiến bộ trong quá trình đọc và viết. Đặc biệt là em thay đổi hoàn toàn so với trước. Hoàng không còn rụt rè mà hòa đồng, thân thiện với bạn bè. Tất cả là nhờ sự nỗ lực của riêng bản em và sự dạy dỗ tận tình của giáo viên chủ nhiệm”, thầy Đạt nói.
|
|
|
Nói về ước mơ của mình sau này, Hoàng hồn nhiên trả lời: "Cháu muốn trở thành công an. Vì công an là người đi bắt cướp bảo vệ người dân". Điều ước của Hoàng thật hồn nhiên và khó thành hiện thực. Nhưng đó là ước mơ, một ước mơ chính đáng của cậu bé Hoàng.
Hi vọng sắp tới em sẽ sớm được điều trị và điều kỳ diệu sẽ đến với đôi chân của Hoàng, để em có thế tự đứng trên đôi chân của mình, để nước mắt thôi rơi trên gương mặt người mẹ nghèo lam lũ.
Bình luận (0)