Tự động phát
Gặp chị Nguyễn Thị Mỹ Linh khi chị đang đẩy theo 4 đứa con để nhặt ve chai, tôi cùng chị về căn nhà chị thuê khuất sâu trong một con hẻm trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM). Dãy xóm trọ là một khu nhà thấp, xập xệ trong đó có cả nhà thuê của mẹ của chị Linh, chị gái và đều sống bằng nghề nhặt ve chai.
Ngôi nhà di động thứ hai
Chưa đến 30 tuổi nhưng hiện chị Linh phải chăm sóc 4 đứa con, bé thứ 2 tên Lê Tấn Vũ (sinh năm 2013), bé thứ 3 tên là Nguyễn Thị Kiều Vy (sinh cuối năm 2014), bé thứ 4 là Nguyễn Hoàng Duy (sinh năm 2017), con trai út là Nguyễn Dương Thành Đạt (sinh năm 2020). Người con đầu của chị Linh sinh non chỉ nặng 1.1kg, ở với chị Linh được 3 ngày thì mất.
Cứ sinh được 5 - 6 tháng, chị Linh lại dắt theo các con rong ruổi ngoài đường để mưu sinh, riêng bé Đạt vừa 3 tháng tuổi là đã bắt đầu hành trình. Chị Linh rưng rưng nước mắt kể lại chị và chồng trước gặp nhau rồi ở với nhau mà không kết hôn. Hai người có với nhau 4 người con (bao gồm cả bé đã mất). Nhưng vì chồng cũ của chị vướng vào nghiện ngập nên chị mang theo con đi tìm cuộc sống mới.
|
|
Trong khi đi nhặt ve chai, chị Linh gặp gỡ và đến với người chồng hiện tại, bé Đạt là con chung của anh chị, nhưng vì cũng đi nhặt ve chai, mẹ anh lại bị bệnh nên chồng thứ 2 cũng không đùm bọc được chị Linh.
Chị Linh chuyển về thuê căn phòng trọ bên cạnh mẹ ruột là bà Huỳnh Thị Hoa (56 tuổi), cách đó không xa là nhà trọ chị gái ruột của chị Linh. Vì bà Hoa lớn tuổi không thể chăm cháu, chị Linh chỉ còn cách đem theo hết 4 người con đi nhặt ve chai. Ngoài ngôi nhà lụp xụp chị thuê, chiếc xe đẩy cũng coi như là ngôi nhà thứ 2 của chị và các con, chiếc xe đã theo chị Linh suốt hơn 8 năm qua kể từ khi rời quê Bình Long lên Sài Gòn mưu sinh.
|
Sau này khi đẻ nhiều con hơn, chị Linh làm thêm mái che để các con không bị nắng, mắc thêm chiếc võng trên xe cho bé Đạt ngủ, lót mền và trùm kín lại vì sợ gió.
|
Con trai lớn sẽ ngồi ở yên xe, Vy và Duy sẽ ngồi ở trong thùng xe. Mỗi lần lên cầu, lên dốc cao một mình chị Linh không đẩy xe nổi thì Vũ và Vy sẽ xuống đẩy xe phụ mẹ. Nhưng mái che nhỏ cũng chỉ che được chút nắng buổi sáng, khi mưa xuống vẫn không tránh khỏi bị ướt nên chị Linh sẽ tấp vào một chỗ nào có mái che để đợi hết mưa.
Bế bé Đạt giúp chị Linh trong khi chị chuẩn bị sữa, nước uống mang theo, bà Hoa gạt nước mắt tâm sự đã làm nghề lượm ve chai được vài chục năm nay. Chị Linh là con gái út, hai người con khác cũng đi làm công nhân khó khăn, gà trống nuôi con nên cũng không giúp gì được. “Giờ cho nó mang con nó theo để lỡ có gì thì lo cho con được chứ để ở nhà không yên tâm được, tôi cũng bệnh không chăm nổi”, bà kể.
“Chỉ mong con có quần áo mới đón Tết”
Đóng cửa nhà để chuẩn bị đẩy xe đi nhặt ve chai buổi buổi chị Linh kể lại, lúc mới về thuê nhà còn xập xệ hơn vì thân gỗ bị mục. Nhưng chủ nhà thấy thương vì có mấy đứa nhỏ, sợ cây ngã nên chú sửa lại, ngoài ra còn nâng nền nhà nên mẹ con chị Linh thoát khỏi cảnh ngập phải tát nước mỗi lần mưa lớn. Nhà trọ được thuê với giá 1.200.000 đồng 1 tháng (chưa bao gồm điện nước), chị chấp nhận đi xa và ở nhà chật chội vì giá thuê nhà rẻ hơn.
Ông Trương Ngọc Phước (Ngụ Q.8, chủ dãy nhà trọ nơi chị Linh thuê) chia sẻ chị Linh chuyển về thuê trọ chỗ ông cũng đã được 2 tháng để ở gần gia đình, trước chị Linh thì mẹ và chị gái của chị đã thuê nhà trọ của ông từ hơn 1 năm trước.
"Cả 4 đứa nhỏ đều là con ruột của Linh, gia đình này thì đi nhặt ve chai, thấy có dịp lễ thì cả gia đình cũng đùm bọc nhau đi bán nước thêm ở đường Võ Văn Kiệt. Thấy hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên tôi cũng sửa lại nhà chút ít vì thương mấy đứa nhỏ, vì đây là khu quy hoạch nên cũng chỉ gia cố lại căn nhà để ở tạm thôi", ông nói.
Sợ các con bị nắng, chị Linh chỉ đẩy xe đi nhặt ve chai vào buổi sáng sớm và buổi tối. “Đi buổi trưa nắng lắm tụi nó không chịu nổi về bệnh cả mấy mẹ con thì không biết làm sao nên chỉ đi từ 5 giờ 30 sáng đến khoảng 9 giờ, về ăn cơm nghỉ ngơi rồi đến 18 giờ lại đẩy xe đi, lượm đến nửa đêm mới về, mùa Tết này thì lượm đến 2 - 3 giờ sáng”, chị nói.
|
Gom ve chai lại để dành 1 - 2 ngày chị lại cân một lần, mỗi lần như vậy được từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng. Mỗi ngày chị Linh sẽ nấu 2 bữa cơm. Thấy chị đẩy theo con đi nhặt ve chai, đôi lúc cũng có vài người cho tiền bảo chị mua đồ ăn cho tụi nhỏ, những ngày như vậy buổi sáng về chị và các con lại có thêm bữa ăn đầy đủ hơn.
|
“Có những ngày không có gì cho tụi nó ăn tôi cũng không biết làm sao, tôi thường chỉ ăn vừa đủ no thôi còn thấy mấy đứa nhỏ được ăn no là được rồi. Tôi không có khả năng cho mấy đứa có chữ chứ vẫn cố gắng lo lắng, có ngon ăn ngon, dở ăn dở không bỏ đứa nào. Vì ngày phải đẩy xe 2 lần nên nhiều khi về mệt quá tôi ngủ quên nhưng con trai lay người nói mẹ ơi đói là tôi lại gắng gượng dậy để kiếm gì đó trong nhà cho con ăn”, chị xúc động.
8 năm qua, bất kể ngày Tết hay những ngày lễ khác chị Linh đều cùng các con đi nhặt ve chai. Đối với những gia đình bình thường, bánh mứt, hạt dưa, áo quần mới là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết, tuy nhiên chị Linh buồn rầu vì không mua được cho các con bộ áo quần mới ngày Tết.
|
“Ngày Tết thường có những người làm từ thiện đi phát bánh kẹo này kia thì mình có, rồi mấy chỗ người ta cho lấy áo quần miễn phí này kia thì mình cũng vào lựa cho mấy đứa con và cả mình vài bộ áo quần”, chị nói.
Cũng mong muốn cho các con có chữ nhưng một mình chị Linh lo lắng miếng ăn hàng ngày còn khó khăn huống hồ gì là việc cho con đi học. Trước đây, nghe đâu có chỗ có thể cho các bé đi học miễn phí chị Linh cũng cho con đi học thử, nhưng buổi tối các bé thường đi nhặt ve chai cùng chị đến sáng nên không còn sức đến lớp. Bản thân chị cũng không có thời gian thể dạy các con học để biết con chữ nên đành để các con ở nhà, gia đình 5 người hàng ngày cùng nhau mưu sinh trên đường phố Sài Gòn.
Bình luận (0)