“Nhốt” các ngành kinh tế sáng tạo
Chuyên gia về kinh tế sáng tạo Trương Uyên Ly có rất nhiều số liệu để đưa ra trong bài trình bày tại tọa đàm Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức ngày 26.12 tại 22 Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó, nghiên cứu của Hanoi Grapevine và ĐH Leicester năm 2018 cho thấy công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam chiếm gần 3% GDP vào năm 2015. Con số này tương đương với mức trung bình trên thế giới. Năm 2018, con số này tăng lên 3,61%. Trong khi đó, tại Indonesia, kinh tế sáng tạo đóng góp 7,4% GDP, tạo 14,3% lực lượng lao động, từ thủ công đến ngành game, từ thời trang đến nội thất.
22 Hàng Buồm, một không gian sáng tạo mới của Q.Hoàn Kiếm |
BTC cung cấp |
Câu hỏi đặt ra là vậy hiện tại khi Hà Nội đã gia nhập TP sáng tạo, Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghiệp sáng tạo thì đã nên đầu tư vào các không gian sáng tạo hay chưa? “Liệu thời điểm đúng để đầu tư vào không gian sáng tạo thích hợp là khi nào. Từ trước đây hay tới đây?”, bà Uyên Ly nêu câu hỏi.
TS-KTS Phó Đức Tùng cho biết hiện đang có việc cần phải kết nối giữa điều rất to lớn là kinh tế sáng tạo với những điều rất cụ thể như các khu: Zone 9, Hanoi Creative city, hay Tòa nhà kinh tế sáng tạo Trúc Khê đang được xây dựng. Ông Tùng cho rằng cơ hội để phát triển nền kinh tế sáng tạo rất trội ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ở đó, có sự hội tụ và nhà quản lý cần làm sao để có sự thăng hoa cho số người hội tụ tại đây khi họ vừa đông vừa đa dạng. “Hạt giống kinh tế sáng tạo là enzyme quan trọng để cân đối được nguồn lực trong đô thị lớn để cất cánh lên được”, TS-KTS Phó Đức Tùng nói.
Theo ông Tùng, nhiều người cho rằng bản chất của kinh tế sáng tạo là “đem các ngành kinh tế sáng tạo nhốt lại và tương tác với nhau”. Các ngành này gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. “Không phải là đem “nhốt” mỗi ngành một phòng, nhốt như thế thì tương tác ít. Cần nhốt theo cách hỗ trợ không gian chung, phải có luồng chảy, một vùng để 12 lĩnh vực đó cọ sát với nhau. Cái dòng chảy vùng chung trong khu vực đó là cốt lõi vấn đề”, ông Tùng nói.
KTS Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập khu sáng tạo đầu tiên ở Hà Nội - Zone 9, cho biết các nhà nghiên cứu kinh tế sáng tạo Anh cho rằng các lĩnh vực này khi được “nhốt” chung với nhau sẽ tạo bùng nổ về sáng tạo. “Nghiên cứu tại Anh cho thấy khi nhốt họ vào với nhau thì có bùng nổ sáng tạo và bùng nổ giá trị gia tăng”, ông Thanh nói.
TS-KTS Phó Đức Tùng cho biết nguyên lý xây dựng kinh tế sáng tạo từ một công trình cũng thế và đô thị cũng vậy. “Quan trọng là dành không gian chung cho các bên (các lĩnh vực sáng tạo - NV) tương tác với nhau đáng kể, và thứ hai là có dòng luân chuyển, có sự sống. Nó khác với các nguyên lý là làm các mảng quy hoạch không gian kiểu phân vùng công năng chết. Chúng ta hình dung bức tranh cứng trong tương lai, nhưng quan trọng là tổ chức được dòng chảy, định hướng được dòng chảy hoạt động”, ông Tùng nói.
Một không gian để chụp ảnh của Zone 9 xưa |
Facebook Zone 9 |
Ước mơ Quận nghệ thuật
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết sau Zone 9 và Hanoi Creative City, ông đã tiếp tục tìm kiếm không gian để tổ chức các khu sáng tạo. Hiện tại ông Thanh có 2 dự án là Quận nghệ thuật Sông Hồng và Tòa nhà kinh tế sáng tạo Trúc Khê. Trong đó, với Tòa nhà kinh tế sáng tạo Trúc Khê (trên phố Trúc Khê), ông có những người cùng chí hướng là cựu thành viên của Zone 9. Bà Trương Uyên Ly cũng là một cộng sự của ông Thanh khi xây dựng các dự án này.
TS-KTS Phó Đức Tùng cũng chia sẻ góc nhìn chính sách. Theo đó, việc các cơ quan hành chính giữ “đất vàng” trung tâm sẽ ảnh hưởng phát triển đô thị. Chính vì thế, ở nhiều nước, chính quyền sẽ làm việc dịch chuyển cơ quan đó ra ngoài. Những diện tích “đất vàng” đó sẽ dành cho các đơn vị sáng tạo. “Các đơn vị sáng tạo là đơn vị sau cơ quan công quyền tạo động lực phát triển cho đô thị. Nghệ sĩ là những người có thể dù có ít tiền vẫn có thể sáng tạo. Sau đó khi kinh tế sáng tạo phát triển, người có tiền sẽ đổ tiền vào lõi đô thị và đô thị sẽ phát triển”, ông Tùng nói.
Ông Phó Đức Tùng cho rằng cũng cần phải có những thước đo phát triển khác chứ không thể chỉ tính giá trị miếng đất dựa trên tiền cho thuê. “Phải có cách đo được ảnh hưởng của miếng đất đến phát triển chung của khu vực. Chúng ta không cần làm gì đất cũng tăng giá. Nhưng với cộng đồng thì không được hưởng gì từ sự tăng giá đấy. Nó không có giá trị với nền kinh tế”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, ông Đoàn Kỳ Thanh lại băn khoăn về độ trễ của chính sách. “Sau khi Zone 9 khép lại thì tôi đã nghĩ đến việc tìm một không gian đủ lớn để chứa các bộ môn và có thể tương tác. Tôi nhắm tới Quận nghệ thuật sông Hồng, nó nằm rìa Q.Hoàn Kiếm. Tôi và những người quản lý TP đang vấp là đợi quy hoạch. Bây giờ có vấn đề là tại sao văn hóa lại đợi quy hoạch mà văn hóa không soi đường cho quy hoạch?”, ông Thanh nói.
Bình luận (0)