Mở đường, mở thêm cơ hội
Gia Lai cũng như khu vực Tây nguyên, phát triển giao thông luôn là lĩnh vực được các nhà hoạch định đặt ra, trăn trở từ nhiều năm nay trong phát triển liên vùng. Trong top 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, Tây nguyên đã có đến
4 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum. Tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này là không phải bàn cãi. Các nguồn tài nguyên khác như đất, nước, gió… cũng là lợi thế.
Song, tình hình kết nối, thu hút đầu tư nhằm tạo nên sức bật, tạo nên những cú hích để mỗi địa phương phát triển mạnh hơn vẫn chỉ là mong ước. Hạ tầng giao thông là một trong những trở lực. Thực trạng này kéo theo hoạt động logistics còn yếu. Trong khi đó, Tây nguyên là một trung tâm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Do vậy, phát triển hệ thống giao thông từ địa phương cho đến liên vùng ở Tây nguyên là vấn đề tối quan trọng.
Còn nhớ cách đây 20 năm, trong những ngày đầu chúng tôi có mặt ở Tây nguyên, bắt đầu với nghề báo, thực trạng giao thông về vùng sâu, vùng xa là sự kinh hoàng. Mỗi lần đi công tác về 5 xã vùng đông sông Ayun, H.Mang Yang (Gia Lai) mùa mưa là những lần sợ hãi. Ấy là khi chiếc mô tô không còn theo ý chủ những lúc đường đất trơn nhẫy. Đang đi bên này đường, giẫm chân phanh là xe trượt sang bên kia đường, ngã dúi dụi.
Nhớ một chuyến công tác, giữa trời mưa tầm tã, xe bị ngã như thế. Áo quần lấm đầy bùn đất, ướt hết mà chưa đi đến nơi cần đến. Chúng tôi không biết xử trí làm sao, đứng giữa trời mưa to và… khóc. Hay đấy là "ốc đảo" Kon Pne (H.Kbang, Gia Lai). Dù chỉ cách trung tâm TP.Pleiku tầm 200 km nhưng là quãng đường tưởng chừng xa diệu vợi. Muốn đi từ xã Kon Pne ra trung tâm H.Kbang với khoảng cách 80 km nhưng phải mất 2 ngày mới đến nơi. Mưa lớn thì bị cô lập.
Trong một dịp vào công tác tại Gia Lai năm 2002, sau khi nghe ông Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, trăn trở chuyện khó khăn trong đi lại, đặc biệt là về vùng "ốc đảo", Thủ tướng Phan Văn Khải quyết nhanh: Bố trí 30 tỉ đồng để làm đường vào xã Kon Pne. Năm 2004 đánh dấu một cột mốc chẳng thể nào quên đối với "ốc đảo", khi con đường được khánh thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn tả. Vậy là đi lại dễ dàng, hàng hóa làm ra được tư thương vào mua tận nơi. Cuộc sống nơi đây đổi thay ngỡ ngàng.
Và còn nhiều cung đường được mở ra, nâng cấp khiến nhiều vùng đất của Gia Lai, của Tây nguyên như được nối gần với nhau, kéo theo cả sự trù phú của các khu dân cư, tiện lợi đủ thứ. Điều đó cho thấy việc phát triển hạ tầng giao thông quan trọng đến mức nào trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, liên vùng và của quốc gia.
Kết nối với biển
Dù chỉ cách trung tâm tỉnh Bình Định tầm 200 km tính từ TP.Pleiku với tuyến QL19 độc đạo nhưng phải di chuyển gần 4 giờ bằng ô tô. Chừng đó cũng đủ khiến các nhà đầu tư e ngại.
Hơn 2 năm qua, dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên với tổng chiều dài hơn 143 km, tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD được triển khai với hy vọng rút ngắn thời gian, thuận lợi khi di chuyển. Một số cung đường được nắn lại, mở rộng lòng đường. Đặc biệt, con đèo hiểm trở An Khê thuộc địa phận Gia Lai đang được thi công với nền đường được hạ xuống, nhiều đoạn cua nguy hiểm được xử lý… Hy vọng sau khi dự án hoàn thành vào năm 2024, việc lưu thông trên QL19 thuận lợi hơn.
Với vị trí chiến lược như Tây nguyên, song vẫn thiếu những tuyến cao tốc. Giữa năm 2023 mới có dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chiều dài khoảng 117,5 km nối hai tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk được khởi công với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/giờ, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và đưa vào khai thác toàn bộ dự án năm 2027. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai ở Tây nguyên trong nỗ lực kết nối khu vực này với vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Theo quy hoạch hệ thống đường cao tốc đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đến năm 2030, khu vực Tây nguyên sẽ đầu tư 8 tuyến cao tốc có chiều dài 830 km. Một số tuyến cao tốc sẽ được nghiên cứu, thực hiện trong thời gian này gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Quy Nhơn - Pleiku và cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 151.900 tỉ đồng.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho biết: "UBND 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã làm việc với các cơ quan liên quan về tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Chúng tôi đã tính toán lại, đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151 km xuống còn 143 km, quy mô vốn có thể giảm từ 44.200 tỉ đồng xuống còn hơn 37.600 tỉ đồng".
Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thông qua, đồng ý chủ trương về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công thay vì phương thức đối tác công tư như trước đó. Sau khi có ý kiến từ tỉnh Bình Định, hai tỉnh sẽ làm việc lại với các bộ, ngành T.Ư và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Thêm hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hiện đại đồng nghĩa với thêm cơ hội phát triển cho toàn vùng Tây nguyên. Đây là cơ hội kết nối liên vùng, thêm những cú hích để khu vực này phát huy những tiềm năng sẵn có, trở thành vùng kinh tế động lực của Việt Nam và xứng đáng vị thế một trong những trung tâm của tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia trong thời gian ngắn.
Bình luận (0)