Ước mong đưa sách về làng của cậu bé lớp 5

23/05/2021 06:28 GMT+7

Từ ý tưởng của một cậu bé lớp 5 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hàng nghìn cuốn sách đã đến được với nhiều bạn nhỏ ở các làng quê trong cả nước trong hai năm qua.

Ý tưởng của cậu bé lớp 5

Cậu bé được nói đến ở đây là Hoàng Kim Gia Bảo, sinh năm 2008. Ở cái tuổi mà phần lớn các em thường chỉ thích chơi điện tử trên điện thoại thông minh, iPad hay xem phim hoạt hình thì niềm yêu thích của Gia Bảo là đọc sách và học piano. Nếu năng khiếu chơi piano của cậu bé người Đắk Lắk có rất nhiều điều để nói sau này thì chính thói quen đọc sách và ý tưởng của em đã khiến tôi chú ý đặc biệt. Bởi nếu không có ý tưởng đó, tất cả sẽ không biết đến những “Tủ sách yêu thương” trong dự án “Đưa sách về làng” mà gia đình em đã và đang xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố kể từ tháng 5.2019 đến nay.
Theo lời chị Hồ Ngọc (mẹ của Gia Bảo), em là con út trong gia đình có ba chị em. Mặc dù sinh sau đẻ muộn khi mẹ em đã 45 tuổi nhưng Gia Bảo sớm bộc lộ những năng khiếu mà đến gia đình cũng bất ngờ, như em biết nhảy, biết vẽ, học tiếng Anh cũng rất tốt (nghe, nói trôi chảy) và nhất là chơi piano, violon hay sáng tác nhạc. Hiện cậu bé 13 tuổi này đang theo học piano tại Hungary theo chương trình bảo trợ của Quỹ Phát triển âm nhạc piano nhưng khi ở Việt Nam, em học lớp 2/9 Trung cấp piano của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, từng giành nhiều giải thưởng về piano như: quán quân âm nhạc Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2017 tại Hồng Kông (Trung Quốc); giải ba bảng A cuộc thi piano quốc tế Steinway and Sons 2018 vòng quốc gia Việt Nam; giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế lần thứ hai “Tìm kiếm tài năng âm nhạc tỏa sáng” tại Singapore 2018; quán quân Vietnam Got’s Talent in Hungary mùa 3 năm 2019...
Chị Ngọc cho biết từ nhỏ, Gia Bảo đã được chị và chồng là anh Hoàng Kim Ngữ cho xem nhiều chương trình ca nhạc thiếu nhi, trước khi để em học piano lúc 5 tuổi rưỡi. Điều ngạc nhiên là bên cạnh việc học piano, Gia Bảo cũng dành thời gian học nhảy, vẽ và chơi violon. Bất ngờ hơn nữa là mỗi lần về quê nội ở H.Nho Quan (Ninh Bình), em đã sớm để ý rằng, ngoài các trò chơi đơn giản thì các bạn nhỏ tại đây có quá ít sách đọc. Anh Ngữ, chị Ngọc thì giải thích, ở xã Xích Thổ, Nho Quan này, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn và không phải bạn nhỏ nào cũng có điều kiện được đọc sách, chơi đàn.
Thế rồi năm 2018, Gia Bảo đề xuất với bố mẹ xem có cách nào giúp các bạn ở Xích Thổ có nhiều sách đọc hay không. Anh Ngữ, chị Ngọc ban đầu rất cảm động vì thấy con mình dù còn bé nhưng đã biết quan sát và sẵn sàng chia sẻ với những người bạn có điều kiện ít hơn mình. Họ nghĩ, nếu Gia Bảo đã nghĩ được như vậy, tại sao họ không thể giúp con thực hiện mong muốn đấy.

Lan tỏa văn hóa đọc

Từ ý tưởng của con, anh Ngữ, chị Ngọc quyết định lập và chủ trì dự án “Đưa sách về làng”; chủ động chuẩn bị các điều kiện thực hiện dự án và tích cực tuyên truyền, vận động những cá nhân và tổ chức cùng tâm huyết, trong đó có Quỹ Trò nghèo vùng cao mà tiền thân là chương trình Cơm có thịt, chung niềm yêu thương tham gia thực hiện dự án, lan tỏa ý nghĩa và hành động thiết thực đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Chị Ngọc cho biết thêm, sau khi xây dựng xong một tủ sách cụ thể, gia đình bàn giao lại cho nơi tiếp nhận, có thể là trường học ở làng hoặc quỹ khuyến học địa phương quản lý và hoạt động. Họ sẽ tiếp tục hỗ trợ hằng năm để bổ sung đầu sách hoặc các hoạt động khác đối với những tủ sách có kết quả hoạt động tốt, có hiệu quả thiết thực.
Để đầu tư một tủ sách cho một trường học có thể không mất nhiều tiền, khoảng hơn 20 triệu đồng, nhưng nhiều tủ sách ở các tỉnh, thành phố thì con số này không hề nhỏ. Được biết, ngoài tiền mua sách mới, cũ, chi phí vận chuyển, gia đình Gia Bảo còn đầu tư mua giá sách, bàn ghế phục vụ việc đọc sách tại thư viện; trang trí phòng đọc sách và lập quỹ hoạt động xây dựng phong trào đọc sách.
Nhờ vậy mà trong hai năm qua, sau khi thông tin rộng rãi đến cộng đồng trên các kênh có thể chia sẻ và tiếp nhận thông tin như mạng xã hội, bạn bè và qua các mối quan hệ riêng, gia đình Gia Bảo đã xây dựng được 21 tủ sách tại nhiều tỉnh, được đánh số thứ tự là “Tủ sách yêu thương”
1 đến “Tủ sách yêu thương” 21. Trong số này, “Tủ sách yêu thương” đầu tiên được anh Ngữ, chị Ngọc xây dựng tại Trường THCS Cổ Định, xã Tân Ninh, H.Triệu Sơn (Thanh Hóa) đúng dịp khai giảng năm học 2019 - 2020. Dự án đã tặng thư viện của trường hơn 1.000 đầu sách, báo, tạp chí và số tiền mặt 20 triệu đồng dành cho việc tu sửa, trang trí thư viện, mua sắm trang thiết bị, xây dựng nguồn quỹ phục vụ các hoạt động đọc sách của học sinh, thầy, cô giáo, cán bộ nhân viên và phụ huynh trong trường.
Mặc dù dự án “Đưa sách về làng” đã bị gián đoạn một thời gian vì đại dịch Covid-19 nhưng cuối tháng 5.2020, “Tủ sách yêu thương” 15 cũng đến được với Trường THCS Xích Thổ, rồi Trường tiểu học Xích Thổ và Trường mầm non Xích Thổ, H.Nho Quan. Đây chính là quê nội của Gia Bảo và không gì tuyệt vời hơn khi gia đình có thể góp phần phát triển phong trào đọc sách tại đây, sau những năm bố em tốt nghiệp đại học và vào công tác ở Đắk Lắk.
Đến nay, đã có 10 tỉnh trải dài từ bắc tới nam nhận được những tủ sách yêu thương trong dự án “Đưa sách về làng”.
Gia Bảo vẫn đang học piano tại Budapest theo chương trình ba năm và có thể lâu hơn nếu em có điều kiện phát triển tài năng. Thế nhưng, dù ở Hungary hay Đắk Lắk, dự án “Đưa sách về làng” vẫn sẽ được anh Ngữ, chị Ngọc, người bác của em là Hồ Ngọc Đạo tại Thanh Hóa cùng nhiều người thân trong gia đình duy trì và phát triển, góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở những làng quê nghèo khó, không có điều kiện tiếp xúc với tri thức như chính em mong muốn. 
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: [email protected], Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.