Dư luận đang nói nhiều về thông tin 7 cán bộ ở Hà Tĩnh bị nhắc nhở và viết bản tường trình vì không sử dụng bia sản xuất trên địa bàn tỉnh. Thật lạ, đất nước hội nhập mạnh mẽ vậy mà tư duy mệnh lệnh hành chính của lãnh đạo địa phương vẫn quá nặng nề.
Bạn muốn uống loại bia nào? Hãy về xem kỹ lại chỉ thị nhé! - Ảnh minh họa của Shutterstock
|
Cách đây tròm trèm một năm, dư luận cũng đã có lần xôn xao trước tin chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn về việc chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó kêu gọi ưu tiên uống loại bia S. Ngay sau đó, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi”, đề nghị địa phương này hủy văn bản nêu trên vì có một số vấn đề chưa phù hợp. Cứ ngỡ chuyện khuyến khích uống rượu bia đã có một bài học kinh nghiệm, tránh được tiền lệ không tốt. Ấy vậy mà, sau một năm thì một sự việc tương tự đã xảy ra.
Câu chuyện bắt đầu từ việc 7 cán bộ của Sở Giáo dục tỉnh trong một cuộc liên hoan sau hội nghị ngành đã không uống bia "của tỉnh" mà lựa chọn một loại bia khác. Nhân viên nhà hàng liền nhắn tin mách lãnh đạo tỉnh và ngay sau đó 7 cán bộ liên quan đã bị nhắc nhở trong cuộc họp nội bộ và buộc phải viết bản tường trình.
|
Cũng mới đây thôi, vào đầu tháng 9, một giấy mời do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký có đóng dấu “hỏa tốc” chỉ với nội dung mời các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo huyện trên địa bàn đến tham gia lễ hội “Tôi yêu bia S.” được tổ chức ngày 5.9 tại địa phương này. Quả là một cách làm việc… chẳng giống ai.
Rõ ràng, khi ban hành những văn bản hành chính kiểu này, dù là khuyến khích, kêu gọi hay mệnh lệnh đi nữa đều không nên. Chuyện sẽ như thế nào nếu mỗi địa phương đều xem điều này thành như một “thường lệ”? Việc nhắc nhở hay buộc viết bản tường trình chẳng khác nào một chế tài áp đặt cho người nào vi phạm lời kêu gọi kiểu mệnh lệnh ấy. Nó đang thô bạo tước đi quyền tự do trong sinh hoạt đúng pháp luật của người dân. Đó là chưa kể, đất nước đang hội nhập phát triển, nếu mỗi địa phương đều có thói quen bao biện cho các sản phẩm “gà nhà” của mình mà bỏ qua quy luật cạnh tranh thì nền kinh tế nước nhà sẽ như thế nào.
Tôi cho rằng, mọi người phản ứng mạnh với chuyện này là cũng có cái lý. Vì ai cũng lo lắng rất có thể trong tương lai sẽ bị bủa vây bởi sự kiểm soát từ ngày càng nhiều văn bản hay mệnh lệnh “lạ” tương tự như thế. Làm sao đồng tình cho được khi mà cuộc sống của mình có nguy cơ bị gò bó, trói buộc trong cái vòng “kim cô” vô hình.
Có một câu hỏi mà dư luận hiện đang rất quan tâm. Đó là, còn bao nhiêu trường hợp nữa sẽ bị nhắc nhở, bị viết tường trình nếu như địa phương vẫn còn tiếp tục giữ mãi quan điểm lãnh đạo kiểu này. Câu trả lời dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Bình luận (0)