Xe

Uống bia, rượu thế nào thì không bị CSGT phạt tiền triệu, giam xe?

24/08/2016 09:16 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng bài Dân nhậu Sài Gòn quăng xe bỏ chạy, đóng tiền triệu khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn , rất nhiều bạn đọc nêu ý kiến vậy uống 'sương sương' bao nhiêu thì mới không bị CSGT phạt dù lúc đó rất tỉnh táo?

Sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết Dân nhậu Sài Gòn quăng xe bỏ chạy, đóng tiền triệu khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn, rất nhiều bạn đọc nêu ý kiến vậy uống bao nhiêu thì mới không bị CSGT phạt.
Để giải đáp những thắc của bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
2 ly rượu giá… 18 triệu
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng cho biết khi uống rượu, bia lượng cồn trong máu như thế nào là tùy vào cơ địa của mỗi người nhưng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và độ cồn trong đồ uống.
Điều này có nghĩa là những người cao, to sẽ có lượng máu nhiều hơn, các mô mỡ cũng nhiều hơn những người thấp bé. Vì vậy, khi uống cùng một lượng rượu, bia nhưng những người thấp, bé sẽ có nồng độ cồn trong máu nhiều hơn.
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện tâm thần TP.HCM
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện tâm thần TP.HCM Ảnh: Vũ Phượng
BS Thắng lấy ví dụ, nồng độ cồn trong bia thường từ 4 - 6% (trong 100ml bia có 4 - 6ml cồn), mỗi chai bia khoảng 330ml sẽ có khoảng 19.8ml cồn. Như vậy chỉ cần khoảng 3 chai bia là nồng độ cồn trong máu đã ở mức 59.4 mg/100ml máu (mức cho phép với người điều khiển xe máy là dưới 50mg/100ml máu).
Phụ nữ nhậu khác đàn ông
Men gan của phụ nữ thường không khử rượu, bia tốt bằng men gan của đàn ông. Vì vậy trong một cuộc nhậu phụ nữ thường xỉn trước. Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp phụ nữ có men gan khử rượu, bia tốt hơn đàn ông nên nhậu tốt hơn - BS Trịnh Tất Thắng

Nồng độ cồn trong rượu thường cao hơn gần 10 lần trong bia, có những loại rượu mạnh 40 độ, nghĩa là trong 100ml rượu có 40ml cồn. Điều này đồng nghĩa với việc người điều khiển xe máy uống khoảng 2 ly rượu (bằng ly uống trà) là người điều khiển xe máy đã vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Tuy nhiên, không phải uống cùng một lượng bia, rượu như nhau mà nồng độ cồn ở mỗi người sẽ giống nhau. Ngoài yếu tố về cân nặng, nồng độ cồn trong máu sau khi uống rượu, bia còn phụ thuộc vào men gan của từng người.
“Men gan của phụ nữ thường không khử rượu, bia tốt bằng men gan của đàn ông. Vì vậy trong một cuộc nhậu phụ nữ thường xỉn trước. Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp phụ nữ có men gan khử rượu, bia tốt hơn đàn ông nên nhậu tốt hơn”, BS Thắng giải thích.
Người tham gia giao thông cũng cần lưu ý rằng, với người điều khiển ô tô, tuyệt đối không được uống rượu, bia vì chỉ cần hơi thở có nồng độ cồn, dù là rất thấp (dưới 50mg/100ml máu) cũng đã bị phạt 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
VIDEO: Theo bạn uống bao nhiêu ly bia thì sẽ bị phạt?
Tại sao lại phạt khi nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu?
Nhiều người dân cho rằng khi uống 2 - 3 chai bia, mặc dù trong hơi thở và máu có nồng độ cồn nhưng vẫn nhận thức và lái xe tốt nên việc CSGT xử phạt khi người dân vẫn còn chạy xe được là không hợp lý.
Người vi phạm quăng xe bỏ chạy khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn
Người vi phạm quăng xe bỏ chạy khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Độc Lập
Ở khía cạnh chuyên môn, BS Thắng giải thích nồng độ cồn trong máu ở mức 50mg/100ml máu đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện là đi lại loạng choạng, bị chậm một số phản xạ khi xử lý tình huống.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ cồn trong máu vượt mức 80mg/100ml máu sẽ làm giảm 25% thị lực, thời gian phản xạ bị chậm từ 30 - 50%, khả năng nhận định, kiểm soát của cơ thể giảm mạnh. Ví dụ, khi có nồng độ cồn ở mức trên mà điều khiển xe máy đi trên đường, ngoài việc nhìn vật cản phía trước mờ mờ thì xử lý tình huống còn bị chậm hơn. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người nhậu xỉn tự té xe hoặc đâm vào xe khác.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP

Đối với ô tô

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng;

Đối với mô tô, xe máy

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng; tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.