Ở TP.HCM có một quán cà phê ngay tại di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn. Khách vừa có thể uống cà phê vợt, vừa tận mắt xem những vết tích của lực lượng ‘huyền thoại’ năm xưa.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Đây là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
VIDEO: xem hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn ‘huyền thoại’
Ngoài một không gian quán đầy hoài niệm về Sài Gòn xưa, khách đến quán còn được tận mắt nhìn thấy cấu trúc những căn hầm độc đáo của lực lượng “huyền thoại”
Bức ảnh chụp ông Đỗ Miễn, một trong những người thợ truyền nhân của Nhà thầu khoán “Phủ đầu Rồng” Mai Hồng Quế, chuyên làm ra các nội thất cho Dinh Độc Lập Sài Gòn.
Căn nhà được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, những “cộng sự” của ông Năm Lai quản lý. Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán buôn, nhưng thực chất là để nuôi giấu cán bộ, cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây ra chiến khu, qua đường các nước bạn, chuyển tiếp ra miền Bắc,…
Hơn 20 năm qua, ông Trần Vũ Bình, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan VKSND Tối cao tại TP.HCM, cũng là 1 trong 6 người con của ông Năm Lai, vẫn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật của cha, của Biệt động Sài Gòn.
Ông Bình chia sẻ, việc làm ấy xuất phát từ tình yêu thương với gia đình, với cha và những người lính kiên trung, khi ông may mắn được sống cùng, được trực tiếp nghe những câu chuyện của họ.
Chiếc xe mobilet mà ông Đỗ Miễn từng sử dụng làm nhiệm vụ hoạt động bình phong do nhà tư sản Mai Hồng Quế giao phó. Ông từng đi giao dịch hợp đồng tại các cơ quan Dinh Độc lập, Tòa Đại Sứ Mỹ, cơ quan U.SOM và nhà riêng của các Đại sứ Mỹ
Chiếc máy may của ông Đỗ Miễn có tuổi đời khoảng 80 năm vẫn còn vẹn nguyên
VIDEO: Bên trong một căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn ‘huyền thoại’
Từ đó, ông tự mày mò phục dựng nguyên bản từng căn hầm bí mật, từng hiện vật để làm di tích lịch sử chứng minh được nhiều khốc liệt của cuộc chiến tranh xưa.
Mất 13 năm, ông Bình mới chuộc được hoàn toàn căn nhà. Bên trong vẫn còn nguyên bản 2 căn hầm chìm và nổi, 2 hộp thư, 2 phía lan can cảnh giới trước - sau, tầng áp mái bí mật, cùng rất nhiều những đồ dùng của người Sài Gòn xưa, đặc biệt là của vợ chồng ông Đỗ Miễn, những người đã góp công to lớn cho Cách mạng.
Ngoài ra tại đây, bà Hai Mão, con gái lớn của ông bà Đỗ Miễn, cũng đứng bếp nấu lại món cơm tấm kèm kim chi Đại Hàn (yêu cầu của lính Hàn ngày xưa khi đóng quân tại đây) mà cha mẹ bà từng bán.
Ông Bình cho biết, sắp tới, 7 di tích mà ông đã chuộc được sẽ dần phục dựng, mở cửa và kết nối thành một tour tham quan.
Với hình thức hoạt động quán cà phê xưa, di chuyển bằng xe cổ, nghe thuyết minh bằng tư liệu sống động.
Từng chiếc đồng hồ, máy cassette cũ xưa trong căn nhà đều có thể hoạt động
Đằng sau bức tường bình thường này là căn hầm nổi cực kì độc đáo, được kẹp giữa vách hai căn nhà. Cả khi đứng dưới hay lên căn gác phía trên, cũng không thể nào phát hiện được “dấu hiệu bất thường” của căn hầm này.
Ông Trần Vũ Bình kể, ngày xưa, ông Năm Lai sử dụng chỗ này để cất giữ thư từ và đồ dùng bí mật của mình. Ông dùng dây cột những chiếc lon chứa vật cần bỏ xuống và kéo lên khi cần. Nắp hầm “ngụy trang” bằng một miếng ván lót sàn sát tường trên căn gác
Lan can cảnh giới phía sau nhà, cạnh bên là hầm chìm. Bên ngoài mang hình dáng của một chiếc tủ bình thường, nhưng khi “có động”, người trong nhà chỉ việc lật tấm ván dưới đáy tủ, leo xuống thang dây và thoát ra các con đường xung quanh
Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương từ thời Pháp, được ông Vũ Bình phục dựng lại rất kỳ công bằng cách nhờ bạn bè tìm kiếm khắp nơi để mang về đúng loại ngói gốc. Phần áp mái là khu đựng các đồ nghề của ông thầu khoán Năm Lai, nhưng thực ra lại là căn hầm nổi trú ẩn cực kỳ kín đáo
Hộp thư chìm được thiết kế nằm dưới một cây cột nhà. Khi kéo viên gạch kê cột ra sẽ thấy lòng hầm rất rộng, có thể chứa được tiền vàng, thư từ và cả súng ngắn. Vị trí này chỉ duy nhất chủ nhà biết, kể cả con cháu trong nhà cũng không
Một cuốn sổ gia đình “khống” vẫn còn được lưu giữ
Những mảnh xé của một tờ tiền là mật khẩu hoạt động của các chiến sĩ. Nếu mảnh này trùng khớp mảnh kia, chứng tỏ người cần gặp là đúng
Những chiếc lon guygoz dùng để cất giấu thư mật
Kim chích, dao mổ, thuốc men,… giấu kín trong căn nhà
Nhiều bức ảnh, giấy tờ chứng nhận hoạt động 2 ông bà Đỗ Miển - Nguyễn Thị Sự cùng nhiều tư liệu quý giá về lực lượng Biệt động Sài Gòn được trưng bày trong quán
Quầy pha chế với những chiếc tủ gỗ, kệ gỗ, bình thủy, đĩa sành, ly tách, muỗng,… nguyên gốc. Quán phục vụ loại cà phê vợt với hương vị đậm chất Sài Gòn xưa
Một góc khác đầy ấp cúng trong quán cà phê với những chiếc đèn dầu, đồng hồ, điện thoại, tủ ngăn gỗ,… mang hơi hướng hoài niệm được anh Bình sưu tầm từ khắp nơi và phục dựng. Hầu hết những chiếc quạt, đèn, cầu dao đều có thể sử dụng. Hệ thống điện cũng được anh Bình khôi phục hoàn toàn.
Bình luận (0)