Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và được thận thải ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể sản xuất dư thừa axit uric hoặc thận bị rối loạn chức năng không bài tiết hết lượng axit uric cần thiết dẫn đến tăng axit uric máu.
Tăng axit uric máu trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh gout, một dạng viêm khớp gây đau đớn, bác sĩ Avanish Arora, Trưởng khoa Tiết niệu và ung thư đường tiết niệu, Bệnh viện Nanavati Max Super (Ấn Độ), cho hay.
Theo trang tin sức khỏe HealthHatch, thiếu nước là nguyên nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe bao gồm sỏi thận, mất nước... Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống ít nước có liên quan đến axit uric cao trong cơ thể.
Uống nước giúp ích thế nào?
Theo bác sĩ Arora, uống đủ nước sẽ làm loãng axit uric trong máu. Cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng hỗ trợ chức năng thận khỏe mạnh và loại bỏ axit uric khỏi cơ thể một cách đều đặn.
Bác sĩ Urman cho biết: Uống đủ nước sẽ tạo điều kiện loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ hình thành tinh thể. Ngoài ra, uống đủ nước có thể giúp ngăn chặn sự tái hấp thu axit uric trong thận, hỗ trợ thêm cho việc loại bỏ nó.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Santosh Pandey, nhà trị liệu và châm cứu ở Ấn Độ, cho biết: Uống nhiều nước giúp thận đào thải axit uric ra ngoài nhanh hơn. Vì vậy, những viên sỏi li ti sẽ bị loại bỏ, không có cơ hội phát triển thành các tinh thể axit uric, theo Indian Express.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là những người có nguy cơ mắc bệnh gout cao thì ngoài uống đủ nước, còn phải hạn chế những thực phẩm chứa nhiều purin như thịt nội tạng, một số loại hải sản, đồ uống có đường..., theo Indian Express.
Một điều cần lưu ý nữa là tránh uống quá nhiều nước vì có thể gây mất cân bằng điện giải nguy hiểm.
Viện Y học Mỹ (IOM) khuyến nghị hầu hết phụ nữ đáp ứng nhu cầu hydrat hóa khi ăn uống đủ 2,3 lít tổng lượng nước mỗi ngày từ cả đồ uống và thực phẩm. Nam giới có thể đáp ứng nhu cầu hydrat hóa khi ăn uống đủ 3,3 lít tổng lượng nước mỗi ngày, theo Medical Daily.
Bình luận (0)