Phải hủy một số liều tiêm là điều không mấy hiếm trong các chương trình chủng ngừa. Song, số vắc xin Covid-19 bị lãng phí khắp thế giới đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Chưa cá nhân hay tổ chức nào đứng ra thống kê số vắc xin bị vứt đi, nhưng từ các bản tin địa phương, có thể thấy số liều tiêm bị hủy đã lên đến vài chục triệu.
Nơi nơi hủy bỏ vắc xin
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số liều vắc xin các bang đã nhận nhưng chưa tiêm là hơn 57,3 triệu. Bà Jennifer Kates, Giám đốc y tế toàn cầu tại Quỹ Gia Đình Henry J.Kaiser, ước tính ít nhất một nửa số mũi tiêm trên (khoảng 28,6 triệu liều) là dư thừa và sẽ bị vứt bỏ. Số vắc xin này đủ để bảo vệ ít nhất 13,1 triệu người.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các bang. Theo tờ The Independent, chính quyền liên bang Mỹ đã mua 1,41 tỉ liều vắc xin, nhưng chỉ mới phân phối 411 triệu mũi tiêm đến các địa phương, tức dư khoảng 1 tỉ liều. Con số này sẽ còn tăng lên vào cuối năm nay, khi Mỹ nhận thêm 562 triệu liều từ Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson.
Theo báo The Washington Post, Israel đã vứt 80.000 liều vắc xin Pfizer/BioNTech vào tháng 7. Ba Lan hủy 73.000 liều từ các nhà sản xuất khác nhau. 50.000 liều AstraZeneca ở Pháp đã hết hạn. Hàng chục ngàn liều vắc xin bị vứt trên khắp nước Đức và chỉ tính riêng tại bang Hesse, khoảng 200.000 mũi tiêm sẽ hết hạn sớm nhất vào tháng 10. Ở Hà Lan, hơn 200.000 liều vắc xin AstraZeneca sẽ hết hạn vào tháng 10 và hơn 8.000 mũi tiêm phải bị hủy vào tháng 8.
Ngay cả châu Phi cũng không tránh khỏi việc phải bỏ vắc xin. Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 469.868 liều tiêm ở châu Phi đã hết hạn tính đến ngày 9.8.
Hạn sử dụng ngắn
Nguyên nhân dẫn đến việc phải vứt bỏ vắc xin rất đa dạng. Vấn đề trong công tác vận chuyển, phân phối và bảo quản có thể khiến lọ đựng thuốc bị vỡ hoặc vắc xin bị hỏng, đặc biệt với vắc xin mRNA do Moderna hay Pfizer phát triển.
Ở nhiệt độ -80 đến -60 độ C (mà chỉ có tủ siêu lạnh đạt được), vắc xin mRNA có thể được trữ trong 6 tháng. Trong tủ lạnh bình thường, vắc xin mRNA chỉ có hạn dùng 30 ngày và thời hạn này giảm xuống còn 12 giờ nếu ở nhiệt độ phòng.
Hạn sử dụng của các vắc xin Covid-19 hiện tại chỉ khoảng 6 tháng. Kết hợp với tốc độ tiêm chủng chậm chạp do nhu cầu giảm hoặc sai lầm trong việc lên kế hoạch chủng ngừa, hàng triệu USD dành mua vắc xin đã đổ sông đổ bể.
Với châu Phi, ngoài những nguyên nhân như thiếu cơ sở hạ tầng, nhân viên y tế, chuỗi cung ứng hay xung đột, lục địa này còn phải vứt bỏ vắc xin vì phần lớn số mũi tiêm được đưa đến đây đã cận kề ngày hết hạn.
Nhiều chuyên gia kêu gọi các quốc gia có vắc xin thừa viện trợ cho những nước khác để tránh lãng phí. Họ cũng thúc giục cơ quan có thẩm quyền làm việc với nhà sản xuất để xem xét việc tăng hạn sử dụng vắc xin.Các nước cũng có thể tăng tốc độ tiêm chủng bằng cách bắt buộc chủng ngừa. Liên minh Châu Âu đã cho phép du khách chủng ngừa đầy đủ di chuyển tự do trong khối. Ngoài các vắc xin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận, những người đã tiêm vắc xin Sinopharm hoặc Sinovac cũng được xem là đã hoàn thành tiêm chủng ở 8 nước châu Âu.
WHO kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu về Covid-19
Hãng AFP đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua ra thông cáo khẳng định không chính trị hóa và kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu về các ca mắc Covid-19 đầu tiên để điều tra nguồn gốc Covid-19.
“WHO kêu gọi chính phủ mọi nước không chính trị hóa tình hình, hợp tác để tăng tốc nghiên cứu về nguồn gốc và quan trọng là cùng nhau phát triển bộ khung chung về các nguy cơ mầm bệnh gây đại dịch trong tương lai”, theo thông cáo. WHO cho rằng điều quan trọng là tìm ra việc đại dịch bắt đầu ra sao nhằm làm điển hình trong việc xác minh nguồn gốc của mọi dịch bệnh lây từ động vật sang người trong tương lai.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc cho rằng cuộc điều tra trước đó đã đủ và việc kêu gọi cung cấp thêm dữ liệu là do động cơ chính trị. Vào tháng 7, Trung Quốc cũng từng bác bỏ cuộc điều tra giai đoạn 2 của WHO về nguồn gốc Covid-19.
Khánh An
|
Bình luận (0)