USD chạm đỉnh 7 tháng

18/10/2016 13:49 GMT+7

Đồng bạc xanh đang đón cơn gió thứ nhì trong năm nay.

Theo CNN, giá trị đô la Mỹ mới đây đạt mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3, lên giá nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong tháng 12 tăng. “Đồng đô la đang trong chế độ phục hồi”, nhà kinh tế cấp cao Ben Ayers thuộc Nationwide nhận định.
Tuần trước, Fed ra tín hiệu cho hay họ có kế hoạch tăng lãi suất “tương đối sớm” và đây là tín hiệu góp phần vào sự đi lên của USD. Hiện USD tăng giá 3% so với giỏ các loại tiền tệ kể từ cuối tháng 9, vượt qua mức từng chạm tới sau cuộc bỏ phiếu Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hồi tháng 6.
Giới đầu tư Phố Wall hiện cược 64% khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 12. Đây là tỷ lệ cược lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nếu Fed nâng lãi suất, đây sẽ là lần đầu tiên trong năm họ làm vậy và cũng là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang khỏe mạnh. USD thường có xu hướng tăng theo các dấu hiệu sức khỏe kinh tế Mỹ.
Một yếu tố khác giúp USD tăng giá là nỗi đau của Anh từ cảnh Brexit. Đồng bảng đã giảm 19% so với USD kể từ ngày 23.6. Gần đây, Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra chi tiết về thời điểm Anh bắt đầu quá trình “chia tay” EU kéo dài hai năm. Thông tin này đẩy giá trị đồng bảng xuống thấp hơn.
Việc bảng Anh hạ giá quan trọng vì nó là một trong các loại tiền tệ chính được đưa ra so sánh với USD trong chỉ số ICE đô la Mỹ, thước đo phổ biến về diễn biến đồng bạc xanh. Nếu đồng tiền này hạ giá, đồng tiền kia sẽ tăng.
Hiện chưa rõ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ có nhiều tác động đến USD hay không, giới chuyên gia kinh tế cho biết. Dù các thước đo khác, chẳng hạn như peso Mexico trở thành kênh được tin tưởng trong việc dự báo chiến thắng của ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton, USD vẫn chưa thể hiện được tỷ lệ cược về việc ai đắc cử tổng thống Mỹ.
USD mạnh không phải là tin tốt cho tất cả mọi người. Thật tuyệt nếu bạn là người Mỹ và đang muốn đi nghỉ mát ở nước ngoài, song bạn sẽ gặp khó nếu cố gắng bán hàng Mỹ, chẳng hạn như iPhone, ở nước khác. USD tăng giá khiến hàng hóa Mỹ đắt hơn, ít hấp dẫn hơn trong mắt khách mua ngoại.
Đầu năm 2015, USD từng tăng giá mạnh nhất trong 40 năm và cuối cùng cản trở các nhà sản xuất, xuất khẩu Mỹ. Nếu USD tiếp tục “bay cao”, nó sẽ tiếp tục đè nặng thương mại và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài. Nếu điều này diễn ra, Fed có thể hủy kế hoạch tăng lãi suất tiềm năng trước khi năm nay kết thúc.

tin liên quan

Dòng vốn ở châu Á có thể bị cản trở vì Fed
Phản ứng mất trật tự trước đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phá vỡ dòng vốn, đẩy cao biến động giá cả tài sản ở châu Á, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.