Chiều 2.10, theo ghi nhận của Kitco, USD-Index đứng ở mức 99,25 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng hơn 3,2%. Khi chỉ số này đi lên, tương đương với đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền khác.
Nhiều nhà đầu tư tài chính thế giới dự báo thời gian tới USD-Index có khả năng chạm lại mốc 100 điểm. Nếu vượt mức này trong năm nay thì đây là lần đầu tiên sau 3 năm và là lần thứ 2 sau 17 năm, USD-Index cán mốc 100 điểm. Mốc 100 điểm cũng chính là mốc khởi đầu của chỉ số USD vào năm 1973 sau đó tăng lên 165 điểm và rớt về 70 điểm vào tháng 4.2008. Lần cuối cùng chỉ số này có mức 100 điểm từ năm 2016 nhưng chỉ vượt được trong một thời gian rất ngắn. Điều này có nghĩa là USD-Index suốt 17 năm qua (từ 2002 đến nay) phần lớn đều ở vị thế âm.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tư vấn đầu tư, giảng viên trường Kinh doanh BizLight, nhận định thông thường khi USD-Index tăng sẽ làm giá cả hàng hóa và các sản phẩm tài chính giảm (và ngược lại) do USD là đồng tiền định giá và thanh toán thương mại quốc tế luôn chiếm trên 90% ở mọi thời điểm). Như vậy USD-Index tăng điểm chưa bao giờ là tin tốt cho các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng hiện nay còn “nguy hiểm” hơn khi chỉ số USD và vàng, chứng khoán Mỹ đi chung đường nhiều tháng qua. Nghĩa là giá của những sản phẩm như vàng và chứng khoán đang cực kỳ đắt. Ví dụ như vàng nếu tính giá cao nhất năm nay ở mức 1.550 USD/ounce thì mức này còn cách đỉnh 2011 là gần 25% nhưng USD-Index đã tăng khoảng 20% trong thời gian này nên giá vàng hiện nay gần tiệm cận với đỉnh lịch sử.
“Do đó một khi các sản phẩm trên bị bán sẽ khiến thị trường lao dốc mạnh và có thể gây ra khủng hoảng tài chính. Nguy cơ này còn cao hơn khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang hạ lãi suất liên tiếp nhưng USD-Index vẫn tăng cho thấy giới đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn đang đặt cược vào việc USD tăng giá. Hiện chứng khoán Mỹ vẫn đang vững bước, vàng tuy giảm ngắn hạn nhưng tương lai vẫn "sáng" nhờ các Ngân hàng Trung ương, định chế tài chính lớn vẫn tranh thủ mua vàng và đã mua liên tục 2 năm nay (số liệu WGC - Hội đồng vàng thế giới) mà chưa hề có dấu hiệu bán ra. Vì thế nếu USD-Index quay lại mốc 100 điểm một cách vững vàng nó có thể kích hoạt một làn sóng bán tháo các loại hàng hóa cũng như sản phẩm tài chính trong bối cảnh thanh khoản toàn cầu yếu. Nên nhớ rằng không có một cuộc đua nào bền vững mà không có sự nghỉ ngơi cả. Một khi điều này xảy ra với sự ảnh hưởng của thị trường Mỹ nó sẽ tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới bao gồm cả thị trường tài chính và kinh tế quốc tế”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Trong khi đó tại Việt Nam, giá vàng đi lên theo biến động giá vàng thế giới thì tỷ giá USD lại giảm. Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng tăng do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung và căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Chỉ số giá vàng tháng 9.2019 tăng 3,25% so với tháng 8.2019 và tăng 18,05% so với tháng 12.2018. Ngược lại chỉ số giá USD tháng 9.2019 giảm 0,11% so với tháng 8.2019 và giảm 0,49% so với tháng 12.2018.
Đóng cửa ngày 2.10, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sụt giảm khi VN-Index mất 8,4 điểm còn 991,19 điểm và HNX-Index giảm 0,58 điểm còn 105,27 điểm.
Bình luận (0)