Hẹn gặp NNND Phan Văn Út (nghệ danh Trường Út, ngụ P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) không dễ, vì ông luôn bận bịu. Ngày phụ vợ bán bún riêu đến trưa muộn, chiều và tối đi đờn ca tài tử hoặc tập dượt, quay hình cho các chương trình của Trung tâm văn hóa TP.Cần Thơ và các Đài PT-TH TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Hát nhiều, nhưng theo ông, thu nhập bấp bênh, bù lại ông có niềm vui lớn là thỏa niềm đam mê ca hát.
Nặng gánh mưu sinh
Ông kể, nhà có 7 anh em, cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi các con ăn học. Vì thương mẹ vất vả nên xong lớp 9 ông thôi học, đi bán báo dạo ở bến phà Cần Thơ và làm thuê đủ nghề. Cực khổ vậy nhưng ông vẫn đeo đuổi niềm đam mê đờn ca tài tử (ĐCTT) vốn đã thấm vào ông khi mới 8 tuổi.
"Năm 8 tuổi, tôi thường theo anh hai là Phan Trường Lạc đi hát ở đám tiệc. Nghe anh hát, tôi học theo. Ban đầu, chỉ là tập tành ca vọng cổ. Về sau, tôi may mắn được cố nhạc sĩ Hai Long dạy ca các bài bản tài tử; tiếp đến được các anh, chị trong nghề chỉ dạy thêm, như: NSƯT Trúc Linh, nhạc sĩ Minh Huấn, nhạc sĩ Minh Phú (hiện công tác tại Đài PT-TH TP.Cần Thơ)", ông Út chia sẻ.
Từ năm 1984, ông Út bắt đầu tham gia ĐCTT trong những buổi sinh hoạt tại địa phương, như lễ hội, đám cưới… Đến năm 2007, ông được cấp giấy chứng nhận lớp ĐCTT nâng cao, do các thầy, cô Ba Tu, Công Thành, Bạch Huệ…giảng dạy. Với niềm đam mê ca hát, ông không ngừng tự học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng, thể hiện thành thạo 20 bài bản Tổ của ĐCTT, gồm: 3 Nam, 6 Bắc, 7 Bài, 4 Oán. Sở trường chính của ông là hát Bắc, hát Nam, Bắc lễ (Bắc và Bắc lễ rất khó hát với hát Nam - PV) và vọng cổ nhịp 4, 8, 16, 32.
Ít ai biết rằng cuộc sống gia đình ông Út rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông có 2 người con. Con lớn là sinh viên đại học, con nhỏ học lớp 7. Căn nhà 4 người đang ở rất chật, ông thường nói nơi đó giống căn phòng trọ hơn. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Tri Phương, P.An Khánh, mở quán bán bún riêu. Mỗi ngày, ông dậy từ 3 giờ sáng cùng vợ nấu nướng, mở bán từ 6 giờ đến tầm 11 giờ. Xong, lại lo dọn dẹp, cơm nước cho con. Từ chiều đến tối, ông dành thời gian cho việc ca hát và truyền nghề cho người có đam mê giống mình. Đến nay, ông đã truyền dạy ĐCTT cho khoảng 60 học trò, trong đó có các học trò tiêu biểu như Nguyễn Ngọc Truyền, Thanh Dũng, Minh Nghĩa (ngụ TP.Cần Thơ).
Hỏi sao tên quán "đặt ngược", không phải bún riêu Út mà là Út bún riêu. Ông Út cho biết, năm 2016, ông tham gia cuộc thi "Đường đến danh ca vọng cổ". Khi thi diễn, ông đẩy xe bún riêu lên sân khấu. Thi xong, nghệ sĩ Ngọc Huyền gọi ông là Út bún riêu. Thấy hay hay, ngồ ngộ, năm 2017, ông đặt tên quán vậy luôn, chứ trước đó quán không có tên. Dần dần, nhiều người trong giới văn nghệ sĩ gọi ông là Út bún riêu.
"Trước kia, tôi làm gì có quán, toàn đẩy xe bán bún riêu ngoài đường. Xe thường đậu ở khu vực Trường ĐH Y dược Cần Thơ, vì khách đông. Có hôm đang đẩy xe bán dọc đường, trời mưa tầm tã, kiếm được chỗ trú mưa thì người ướt nhem, lạnh cóng", ông Út nhớ lại.
Nặng lòng với đờn ca tài tử
Khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ chồng ông Út càng thêm nặng gánh mưu sinh. "Mình vất vả, thiếu thốn mấy không sao, nhưng phải chăm lo cho con đầy đủ", ông Út nghĩ vậy nên không quản biết bao cực nhọc.
Ông kể, có lần, ông tham gia tiểu phẩm nhân ngày 26.3. Khi chương trình vừa xong, ông vội chạy về để kịp đẩy xe bún đi bán. Vợ ông hỏi "nếu đang bán mà gặp người quen trong nghề ông có ngại không", ông cười và nói: "Ngại thì làm sao có tiền mua sữa cho con chiều nay". Câu trả lời của ông khiến bà Tuyết rưng rưng, bởi bà hiểu rằng, tình yêu nghệ thuật ở ông rất lớn và trách nhiệm với gia đình, với vợ con của ông cũng vậy.
Dần dần, dành dụm được ít vốn, ông thuê mặt bằng mở quán. Vợ ông là bà Cao Thị Minh Tuyết luôn sát cánh cùng chồng. Biết ông đam mê ĐCTT nên nhiều lúc việc nhà đang bề bộn, ông đột ngột gác ngang để đi hát, đi tập dượt chương trình bà không bao giờ phiền lòng, ngược lại luôn ủng hộ.
Sự đồng cảm, sẻ chia của vợ con là nguồn cổ vũ để ông Út an tâm dành thời gian cho ĐCTT, bởi đó như là "duyên nợ" của ông. Suốt thời gian dài đã qua, ông Út tham gia rất nhiều hội thi, hội diễn ĐCTT từ cấp thành phố đến toàn quốc và đoạt nhiều huy chương vàng. Ngoài ra, ông thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân thông qua các hoạt động của Trung tâm văn hóa TP.Cần Thơ, như: Chương trình Khúc hát tri ân, giao lưu ĐCTT hằng tháng; giao lưu ĐCTT với các câu lạc bộ của tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long… Đặc biệt, ông có kỹ năng dàn dựng và tham gia diễn xuất cho các hội thi mở rộng, liên hoan ca nhạc, ca cổ, cải lương, tiểu phẩm xuân, các chương trình của lực lượng vũ trang, hài kịch và những chương trình vào dịp lễ, tết để phục vụ nhân dân.
Với những đóng góp đặc biệt cho nghệ thuật ĐCTT, năm 2015, ông Út được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, ông là người đầu tiên của TP.Cần Thơ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và đến nay TP.Cần Thơ chỉ có mỗi ông đạt danh hiệu này.
Không chỉ truyền dạy đờn ca tài tử, ông Út còn tích cực góp phần giữ gìn, phát huy điệu hò Cần Thơ - là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. "Cũng là câu "Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về", nhưng khi hò trong ĐCTT phải mượt mà, ngân nga, luyến láy và có kỹ thuật; còn khi hò trong hò Cần Thơ phải mộc, không luyến láy", ông Út nêu ví dụ để so sánh và không giấu được nỗi băn khoăn khi hiện nay rất ít người hò đúng điệu hò Cần Thơ.
Soạn giảm Nhâm Hùng cho biết, có thể nói, NNND Trường Út là một nghệ nhân đa tài trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian Nam bộ. Anh thực hành thông thạo 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử, giữ được lối chơi truyền thống, với sở trường ca ra bộ thể điệu bắc, chẻ nhịp, điêu luyện và kiểu cách nhấn nhá, ngân nga hơi xưa.
Ngoài ra, anh rất tâm huyết trong giữ gìn, phát huy, trao truyền các làn điệu dân ca Nam bộ; là một trong số ít người còn thể hiện được chất gốc của điệu hò Cần Thơ trầm bổng, qua lối hò huê tình, hò cấy, đối đáp…
Bình luận (0)