Út 'trọc' đã mạo danh quân đội để trục lợi như thế nào?

31/07/2018 08:41 GMT+7

Ngày 30.7, tại Hà Nội, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng và các đồng phạm.

Bị cáo Hệ bị đưa ra xét xử về 2 tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Các bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư (CP PTĐT) Thái Sơn Bộ Q.P), Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chi nhánh Bình Dương) và Bùi Văn Tiệp (đại tá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Phùng Danh Thắm (đại tá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) bị xét xử về tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lấy danh nghĩa quân đội để kinh doanh
Sử dụng bằng giả để nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm
Theo cáo trạng, vào năm 2000, Đinh Ngọc Hệ mua 1 bảng điểm và bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân giả với giá 2,5 triệu đồng. Từ 2003 - 2016, khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Hệ đã nhiều lần sử dụng văn bằng giả này để kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm. Theo VKS Quân sự T.Ư, hành vi của Hệ đủ yếu tố cấu thành tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng được công bố tại tòa, tháng 7.2009, Tổng công ty Thái Sơn góp vốn thành lập Công ty CP PTĐT Thái Sơn theo đề xuất của Đinh Ngọc Hệ, trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp 51% cổ phần (Đinh Ngọc Hệ đại diện 21%; Cung Đình Minh, khi đó là Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Tổng công ty Thái Sơn, đại diện 30%), hai cổ đông khác đều là cháu ruột của Hệ. Vào thời điểm thành lập (19.9.2009), 51% cổ phần của Tổng công ty Thái Sơn (tương đương 10,2 tỉ đồng) được các cổ đông cho nợ. Tháng 9.2011, công ty này đổi tên thành Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P, do Hệ làm chủ tịch HĐQT; từ tháng 3.2013 đến khi bị bắt (12.2017) Hệ là người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc công ty.
Tháng 11.2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần và tới tháng 10.2017 chuyển nhượng số cổ phần còn lại, thu được số tiền 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Tổng công ty Thái Sơn vẫn chưa góp vốn cổ đông. Theo cáo trạng, mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P là của tư nhân do Hệ quản lý và điều hành trực tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng công ty Thái Sơn đã rút 31% vốn và chỉ còn là công ty liên kết, Hệ vẫn lấy danh nghĩa doanh nghiệp quân đội để hoạt động kinh doanh.
Cáo trạng cũng nêu rõ, từ năm 2011 - 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P, đồng thời lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty cổ phần này, Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty cổ phần, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…
Mạo nhận phục vụ quốc phòng để “né” phạt
Cũng trong thời gian nêu trên, thông qua lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, Hệ đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua xe bằng vốn tự có rồi đăng ký biển số xe quân sự, xe biển xanh 80A, được miễn số tiền thuế trước bạ hơn 3 tỉ đồng. Tiếp đó, Hệ trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm thế chấp, cho thuê và giao cho các đối tượng ngoài xã hội sử dụng xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A trái quy định để thu lợi 6,004 tỉ đồng.
Cuối năm 2012, Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mà thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Cùng lúc, Hệ thành lập chi nhánh Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P ở Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn (người của Công ty Hải Hà) làm giám đốc để đứng tên xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà tại cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Đến tháng 6.2014, qua kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 20.000 lít xăng không đạt chất lượng nên cho niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình. Hệ sau đó đã liên hệ với ông Lê Thanh Cung, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhờ giúp đỡ, đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi ông Cung để xin không xử phạt. Ngoài ra, Hệ cũng liên lạc với đại tá Bùi Văn Tiệp nhờ nhận số xăng trên là của sư đoàn gửi thông qua hợp đồng giả để trốn tránh việc xử phạt 1,4 tỉ đồng do kinh doanh xăng kém chất lượng.
Khai tại tòa, bị cáo Lâm khẳng định dù bản thân là Tổng giám đốc điều hành của Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P, song mọi việc đều phải xin ý kiến và nhận chỉ đạo của Hệ. Việc Lâm ký các hợp đồng thế chấp, cho thuê các xe biển đỏ, biển xanh 80A cho tới việc làm văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương, hợp đồng gửi xăng dầu giả đều do Hệ quyết định và chỉ đạo.
Ngược lại, Hệ phủ nhận lời khai của các đồng phạm và cho rằng những lời khai này là “vu khống”. Theo bị cáo Hệ, thời điểm xảy ra vi phạm, Hệ có biết nhưng không chỉ đạo gì và khẳng định bị cáo chỉ làm kỹ thuật, không biết kinh doanh mà chỉ biết quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, Hệ khai việc thế chấp, cho thuê là do Ban giám đốc điều hành của Công ty CP PTĐT Thái Sơn Bộ Q.P chứ không liên quan tới bị cáo.
Chi cục QLTT hướng dẫn làm hợp đồng giả ?
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Lâm khai việc làm hợp đồng gửi xăng giả mang đến cho Bùi Văn Tiệp ký là do cán bộ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương gợi ý và hướng dẫn. Bị cáo Tiệp cũng xác nhận lời khai của Lâm là đúng thực tế diễn ra. Tuy nhiên, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương khẳng định không có bất cứ ai trong đơn vị này gợi ý hay hướng dẫn ông Lâm và ông Sơn làm giả hồ sơ gửi xăng dầu của quân đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.