Ưu tiên gói hỗ trợ cho khu vực hấp thụ tốt

05/01/2022 07:21 GMT+7

Chiều 4.1, tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, hầu hết ý kiến đồng tình với các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân cho rằng so với thế giới, các chính sách của VN đưa ra còn chậm bởi nhiều nước đã tập trung phục hồi trong năm 2020 - 2021 và đạt mức tăng trưởng tốt, còn nước ta tính toán cho năm 2022 - 2023. Do vậy, Chính phủ cần tập trung triển khai nhanh các chính sách trong 6 tháng đầu năm, linh hoạt sử dụng nguồn vốn và vận dụng thủ tục. Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt quan tâm đến khâu nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước để tự chủ nguồn cung; đồng thời nghiên cứu thuốc điều trị có nguồn gốc thảo dược.

Người lao động là một trong những đối tượng được hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ

Lê Nam

Các ĐB thuộc Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM cũng đồng quan điểm cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những khu vực hấp thụ và phục hồi tốt, trong đó có TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

ĐB Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, nêu thực tế trong 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam thì vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ chỉ có 2 dự án trong khi hạ tầng khu vực này hiện đã kém so với mặt bằng chung cả nước, nhất là khi so sánh với khu phía bắc. Do vậy, ông Tuấn đề xuất cần cân đối nguồn lực đầu tư công cho khu vực phía nam, nhất là đường vành đai 3, vành đai 4 và một số tuyến cao tốc kết nối liên vùng.

Đối với chính sách tiền tệ, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng cần phải kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không gói hỗ trợ sẽ vô nghĩa. ĐB này dẫn chứng lãi suất cho vay hiện khoảng 8%/năm, Chính phủ sẽ dùng các chính sách, công cụ tiền tệ để kéo giảm 0,5 - 1%, cùng với hỗ trợ lãi suất 2% thì người vay được hưởng đến 3% là quá tốt; nhưng nếu để lạm phát tăng lên 10% thì khoản hỗ trợ 2% đưa ra sẽ không có nghĩa lý gì.

“Kiểm soát lạm phát là mục tiêu rất quan trọng”, ông Ngân nhận định, đồng thời dự đoán năm 2022, lạm phát có khả năng tăng vì các nước đang phục hồi, nhu cầu về tiêu dùng, giá nguyên vật liệu tăng. ĐB này cũng dự báo có nhiều doanh nghiệp muốn vay, nhất là nhóm ngành dịch vụ, vận tải, du lịch… nhưng không thỏa mãn được điều kiện cho vay vì không còn tài sản thế chấp, cầm cố. Do đó, Chính phủ cần quan tâm khôi phục và bổ trợ cho việc hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về giải pháp hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) khoảng 6.600 tỉ đồng, ĐB Ngân cho biết theo giải trình của Bộ KH-ĐT thì có 400.000 NLĐ quay lại làm việc được hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng, cùng 3,6 triệu NLĐ đang thuê nhà được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/3 tháng. “Chúng tôi muốn biết số lượng lao động đó nằm ở đâu, làm sao thống kê được. Những người này ở TP.HCM, Đông Nam bộ hay tất cả tỉnh, thành? Con số này tôi chưa mường tượng được”, ông Ngân đặt câu hỏi.

Ngoài ra, nhiều ĐB cũng cho rằng nếu chỉ áp dụng cho NLĐ trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì sẽ thiệt thòi cho TP.HCM. Bởi lẽ, số NLĐ làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chỉ hơn 300.000 người, trong khi tổng số lao động trên địa bàn TP.HCM lên đến khoảng 2 triệu người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.