Theo Cục Hàng không Việt Nam, với chính sách khuyến khích nhập khẩu vắc xin Covid-19 của Chính phủ, trong thời gian tới, số lượng các chuyến bay vận chuyển vắc xin đến và quá cảnh qua Việt Nam sẽ gia tăng.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin hiệu quả, Cục này yêu cầu các hãng hàng không khi tổ chức chuyến bay chở vắc xin ghi rõ trong đơn đề nghị xin phép bay. Các hãng quán triệt tổ lái khi làm thủ tục bay cần điền trong kế hoạch bay không lưu “RML/VACCINE” để cơ sở quản lý không lưu nhận dạng chuyến bay nhằm cho phép ưu tiên hạ cánh khi nhận được yêu cầu của tổ lái.
Do tính cấp thiết của việc nhận dạng và ưu tiên không lưu cho các chuyến bay vận chuyển, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV bố trí cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất; cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin để rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng vắc xin.
Theo Cục này, trong trường hợp đặc biệt, khi nhận được đề nghị của tổ lái chuyến bay vận chuyển vắc xin về việc bay tắt để rút ngắn thời gian bay đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ sở điều hành bay tạo điều kiện cho chuyến bay (nếu đảm bảo công tác hiệp đồng và an toàn bay)...
Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã có cam kết được cung cấp 150 - 170 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay. Trong đó, 30 triệu liều từ AstraZeneca (Anh), 31 triệu liều của Pfizer/BioNTech, 5 triệu liều từ Moderna (Mỹ), 20 triệu liều Sputnik V (Nga) và 38,9 triệu liều từ Covax Facility...
Trong số vắc xin được cam kết, ngày 4.6, gần 2,899 triệu liều vắc xin (đều của AstraZeneca sản xuất) đã về đến Việt Nam từ nguồn nhập khẩu và do COVAX Facility cung cấp.
Bình luận (0)