ĐH Quốc gia TP.HCM đã phê duyệt đề án đào tạo sau ĐH cho khu vực Tây nguyên, Tây Nam bộ và các vùng kinh tế trọng điểm. Đề án hiện đã được Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt và Bộ GD-ĐT thông qua.
Theo đó, ngành đào tạo sẽ theo nhu cầu thực tế của địa phương từ đề xuất của UNBD các tỉnh, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ giao cho các đơn vị thành viên nghiên cứu thực hiện. Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng ứng dụng thực tiễn cao hơn để phù hợp điều kiện thực tế của người học.
tin liên quan
Tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp không được xét chức danh GS, PGS?
PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Đào tạo sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết riêng đào tạo sau ĐH cho 2 khu vực Tây nguyên và Tây Nam bộ, đề án này có những chính sách ưu tiên riêng trong tuyển sinh. Cụ thể là tăng không quá 10% chỉ tiêu tuyển sinh sau ĐH tại các khu vực này.
Đặc biệt là ưu tiên cho thí sinh 2 khu vực này được cộng 10 điểm (thang điểm 100) môn tiếng Anh đầu vào. Ưu tiên này chỉ áp dụng cho thí sinh có hộ khẩu thường trú hoặc đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh thuộc 2 khu vực trên nhằm khuyến khích người học.
“Dù được ưu tiên điểm tiếng Anh đầu vào nhưng chương trình đào tạo sau ĐH tại các địa phương này đều áp dụng chuẩn tiếng Anh chung theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM”, ông Tú khẳng định.
Năm 2018 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển 3.345 chỉ tiêu bậc thạc sĩ, 384 bậc tiến sĩ, trong đó đào tạo 32 chương trình liên kết với địa phương.
ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có 110 ngành đào tạo thạc sĩ và 79 ngành đào tạo tiến sĩ, trong đó có 46 chương trình liên kết với địa phương và 18 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài.
Trước đó, cũng từ năm 2018 ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức mở rộng danh sách diện cử nhân đủ điều kiện xét tuyển (không thi) bậc thạc sĩ. Cụ thể gồm: người nước ngoài, chương trình chất lượng cao PFIEV, chương trình đã được kiểm định ABET, chương trình kỹ sư và cử nhân tài năng.
Bình luận (0)