Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có vai trò gì đối với người tiêu dùng?

14/02/2023 12:31 GMT+7

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giúp Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ngày 10.2, Chính phủ ban hành Nghị định số 03 năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.4.2023.

Theo Điều 1, Nghị định số 03, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương. Chức năng là tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Ủy ban này còn tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tại Điều 2, Nghị định này còn quy định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện 5 nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng.

Thứ nhất, về tố tụng cạnh tranh:

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh…

Thứ hai, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.

Thứ 4, giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường, và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.

Thứ 5, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật…

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Nguyên Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, khái niệm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lần đầu tiên được xuất hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam khi luật Cạnh tranh 2018 được ban hành.

Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định 03 (nêu trên) ra đời thì ủy ban này mới chính thức được thành lập, đi vào hoạt động. Đây là cơ quan cạnh tranh hoàn toàn mới và là một điểm thay đổi đặc biệt của luật Cạnh tranh 2018 so với luật Cạnh tranh 2004 cũ. Luật Cạnh tranh 2018 cũng dành hẳn 1 chương để quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

"Tôi cho rằng sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mang ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo thực thi chính sách của Nhà nước về môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", luật sư Lê Nguyên Hòa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.