Sáng 20.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, các tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Trong đó, ông Thanh đặc biệt lưu ý việc quản lý thị trường vàng và những rủi ro của thị trường bất động sản.
Theo ông Thanh, thời gian qua, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ở mức cao; thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phản ánh, có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường. Điều này, theo ông Thanh, được phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.
Cạnh đó, ông Thanh cho hay, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Một số dự án giao thông quan trọng chưa bảo đảm tiến độ thi công.
Xem nhanh 12h: Quốc hội khai mạc kỳ họp 7, bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội
Đề nghị thanh tra toàn diện về nhà ở xã hội
Về thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 12.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Trong khi đó, theo ông Thanh, những tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến, thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.
Ông Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng, ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế. Hiện nay, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.
Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn lực thay vì đầu tư sản xuất thì bị "chôn" vào đất
Theo ông Thanh, tình trạng đầu cơ đất đai thời gian qua dẫn đến một số hệ lụy. Cụ thể, theo ông Thanh là người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Cạnh đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
"Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên", ông Thanh nhấn mạnh.
Từ các lưu ý trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng đó, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giá vàng, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với việc có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Bình luận (0)