Ủy ban Kinh tế: Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả

23/10/2023 11:18 GMT+7

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế; hiệu quả chính sách có độ trễ.

Sáng nay 23.10, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày thẩm tra.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn việc năm 2023 chỉ có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt). Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Ủy ban Kinh tế: Phản ứng chính sách trước biến động của nền kinh tế còn chậm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024

GIA HÂN

"Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải carbon và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững", ông Thanh nêu.

Cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Theo ông Thanh, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp khi 61% doanh nghiệp cho rằng, thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định.

Việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy của Bộ Xây dựng.

Cùng đó, tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có những kết quả tích cực (90/110 quy hoạch đã được thẩm định) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. 

Việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm; trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%).

Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

"Khát" vốn nhưng khó hấp thụ vốn

Một vấn đề nữa cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý là nền kinh tế "khát" vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9 chỉ tăng 6,92%.

Cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao.

Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động.

Ủy ban Kinh tế: Phản ứng chính sách trước biến động của nền kinh tế còn chậm - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội XV

GIA HÂN

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ năm trước nhưng còn 17 bộ, cơ quan T.Ư chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, số giải ngân bao gồm các số chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang năm 2023, số tăng thu bổ sung dự toán năm 2023 nên thực chất tỷ lệ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 thấp hơn mức Chính phủ báo cáo.

"Vấn đề chậm giải ngân cần phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục. Có ý kiến cho rằng nguồn lực của Việt Nam bị dàn trải, chia nhỏ cho các cơ quan, địa phương dẫn đến có quá nhiều dự án quy mô nhỏ có thể bị trùng lặp về mục tiêu, chỉ phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ", ông Thanh nêu.

Ông Thanh cũng nêu nhiều lưu ý về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số khó khăn, thách thức. Cạnh đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để…

Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

"Công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; hiệu quả chính sách có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế", ông Thanh nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.