Ủy ban Thường vụ triệu tập họp Quốc hội kỳ thứ 7

21/04/2024 07:44 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20.5 tới đây.

Ngày 20.4, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi tới các đại biểu Quốc hội thông báo về việc triệu tập kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp 7 Quốc hội XV sẽ khai mạc ngày 20.5, dự kiến bế mạc vào ngày 28.6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Các lãnh đạo Đảng, Quốc hội tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV cuối năm 2023

Các lãnh đạo Đảng, Quốc hội tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV cuối năm 2023

GIA HÂN

Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 20.5 đến ngày 8.6. Đợt 2 từ ngày 17.6 đến ngày 28.6.

Cùng với việc triệu tập kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến chương trình kỳ họp. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cụ thể là điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật từ kỳ 7 và kỳ 8 sang kỳ 8 và kỳ 9; bổ sung luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; luật Phòng chống mua bán người sửa đổi, luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vào chương trình kỳ họp 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi vào chương trình và thông qua tại kỳ họp 7.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.

Ngoài thời gian và dự kiến chương trình kỳ họp, thông báo của Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến các đại biểu Quốc hội, đồng thời giao Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, trong đó chú trọng công tác thông tin, truyền thông, các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn... phục vụ kỳ họp.

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước ngày 10.5 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Cùng đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội gửi phiếu chất vấn đến Tổng thư ký Quốc hội để chuyển đến người có trách nhiệm trả lời và tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp đã gửi tới các đại biểu trước ngày 29.4 để kịp tiếp thu, chỉnh lý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 5 tới.

Theo luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, với kỳ họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải triệu tập chậm nhất trước 30 ngày. Với kỳ họp bất thường, việc triệu tập chậm nhất là trước 7 ngày.

Quyết định triệu tập cùng dự kiến chương trình kỳ họp phải được gửi tới các đại biểu Quốc hội. Dự kiến chương trình kỳ họp phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 4 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp kỳ họp bất thường.

Tới nay, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã họp 6 kỳ họp thường kỳ và 6 kỳ họp bất thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.