Trên mỗi tàu sân bay Mỹ thường có đơn vị không quân hải quân lớn được gọi tắt là CVW với hơn 70 máy bay các loại và chia thành nhiều đơn vị nhỏ. Các đơn vị này thường có chức năng riêng biệt nhưng bổ trợ cho nhau nhằm mang lại năng lực tác chiến mạnh nhất cho nhóm tác chiến tàu sân bay.
Lực lượng hùng hậu
Thông thường, mỗi CVW gồm 6 đội máy bay chính: đội tiêm kích tấn công (VFA), đội cảnh báo sớm (VAW), đội tác chiến điện tử (VAQ), đội trực thăng tấn công (HSC), đội trực thăng săn ngầm (HSM) và đội bay hỗ trợ hậu cần (VRC).
Hiện nay, hải quân Mỹ có 9 CVW. Trong đó, nhóm trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là CVW-11, có căn cứ tại thành phố Lemoore (bang California). Các máy bay của CVW-11 có mã nhận diện ở đuôi là NH, trong đó chữ N chỉ máy bay thuộc hạm đội Thái Bình Dương, còn chữ H là ký tự riêng của đơn vị.
|
Mỗi CVW thường gồm 4 VFA và mỗi VFA có từ 10-12 máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Đây là dòng máy bay tấn công đa nhiệm và là phiên bản cải tiến của máy bay F/A-18 Hornet. Phiên bản F/A-18F có thêm 1 chỗ ngồi cho người điều khiển vũ khí.
Máy bay loại này có tốc độ tối đa hơn 1.900 km/giờ, bán kính chiến đấu hơn 720 km, mang theo vũ khí tấn công các mục tiêu trên không, trên bộ lẫn tên lửa chống hạm. Đi kèm tàu sân bay Roosevelt là 4 đơn vị VFA, trong đó đáng chú ý có đơn vị số 31 biệt danh Tomcatters là VFA lâu đời thứ hai trong hải quân Mỹ (thành lập năm 1935).
|
Bên cạnh các chiến đấu cơ F/A-18, CVW còn có nhóm máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng viễn chinh của Mỹ. E/A-18G chia sẻ chung nền tảng chiến đấu cơ F/A-18, nhưng bổ sung thêm các hệ thống gây nhiễu và tấn công mạng lưới phòng không của đối phương. Hiện diện trên tàu Roosevelt hiện là đội VAQ-142 Gray Wolves từ căn cứ Whidbey Island, bang Washington.
Mắt thần trên không
Làm nhiệm vụ tai mắt cảnh giác cho tàu sân bay là đội máy bay cảnh báo sớm gồm 4 chiếc E-2C Hawkeye. Loại máy bay này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và đóng vai trò như một “giàn radar bay”, giúp thông báo cho nhóm tác chiến tàu sân bay mọi dấu hiệu trên không.
Bên cạnh đó, E-2C còn có chức năng kiểm soát và chỉ huy, điều phối nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ liên lạc... Hoạt động trên tàu Roosevelt là đội bay VAW-115, có căn cứ ở Point Mugu, bang California.
|
Bổ sung năng lực tác chiến cho tàu sân bay còn có đội trực thăng tấn công HSC gồm các trực thăng Sikorsky MH-60S và đội trực thăng săn ngầm HSM với các trực thăng MH-60R. Theo trang Naval Technology, trực thăng MH-60S được biên chế vào tháng 2.2002, là phiên bản thay thế cho trực thăng CH-46D của hải quân Mỹ. Trong khi đó, loại MH-60R là trực thăng thay thế loại SH-60 và được bàn giao cho hải quân Mỹ vào năm 2005.
|
Hai loại trực thăng này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ giống nhau như chống tàu nổi, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ tác chiến đặc biệt, tiếp tế nhưng loại MH-60S còn được dùng cho nhiệm vụ phá thủy lôi trong khi loại MH-60R còn có nhiệm vụ chống ngầm. Mỗi đội HSC thường có 8 chiếc trong khi HSM có 11 chiếc trực thăng. Có mặt trên tàu Roosevelt hiện tại là phi đội HSC-8 và phi đội HSM-75.
|
Nhóm cuối cùng trên tàu sân bay là đội máy bay vận tải C-2A Greyhound, chuyên chở người và hàng hóa lên xuống tàu và thường dùng cho những chuyến bay ngoài khả năng của các trực thăng. Hiện diện trên tàu Roosevelt là đội VRC-30 biệt danh Providers.
Các binh sĩ trên tàu mặc những màu áo tượng trưng cho những nhiệm vụ khác nhau. Màu tím phụ trách xăng dầu. Màu xanh da trời vận hành thang nâng máy bay, lái xe kéo máy bay, đưa thư. Màu xanh lá như xử lý các đoạn cáp hãm khi máy bay hạ cánh, bảo trì máy bay, vận chuyển hàng hóa... Màu vàng hướng dẫn các bước chuyển động của máy bay. Màu đỏ quản lý vũ khí và đạn dược, cứu hộ máy bay rơi. Màu nâu là những cơ trưởng phụ trách các chuyến bay cá nhân. Màu trắng lo về an toàn, y tế, giám sát đội bay.
|
Bình luận (0)