Ủy viên Bộ Chính trị phải chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, năng lực

25/10/2018 18:30 GMT+7

Yêu cầu ủy viên Bộ Chính trị , Ban Bí thư, ủy viên T.Ư phải nêu gương, chủ động xin từ chức khi thấy không đủ điều kiện, năng lực, uy tín chính thức được đưa vào Quy định về nêu gương.

Ngày 25.10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư.
Quy định gồm 4 điều, trong đó, điều 1 quy định trách nhiệm nêu gương chung của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng, và nhấn mạnh cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu nêu gương.
Điều 2, gồm 8 khoản, quy định những điều ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải gương mẫu đi đầu thực hiện, gồm: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam; có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể…
Một điểm đáng chú ý là khoản 8, điều 2 quy định rõ, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải gương mẫu đi đầu thực hiện là: nghiêm túc thực hành tự và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Không để vợ, con, bố mẹ lợi dụng chức vụ của mình để vụ lợi
Điều 3, cũng bao gồm 8 khoản, yêu cầu ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; tham nhũng chính sách; chạy chức, chạy quyền; tham nhũng, hối lội; lãng phí; lợi dụng doanh nghiệp để vụ lợi; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dự luận xã hội hiện nay.
Cụ thể, tại khoản 1, điều này nêu rõ, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải nghiêm khắc với bản thân và kiến quyết chống: chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
Khoản 7 nêu rõ, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải kiên quyết chống việc lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.
Khoản 8 thì yêu cầu, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành T.Ư phải kiên quyết chống việc để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.