Vách dung nham núi lửa cổ dạng 'bánh mì kẹp' ở Lý Sơn là rất hiếm

03/09/2017 12:25 GMT+7

'Cấu tạo này giống như một bánh mì kẹp nhiều lớp thịt với rau sống', PGS-TS Vũ Cao Minh ví von và cho biết đây là dạng cấu tạo rất hiếm gặp, chỉ có ở đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) và vài nơi trên thế giới.

Trao đổi với PV Thanh Niên nhân hội thảo "Phát triển du lịch Lý Sơn" tổ chức sáng 30.8, PGS-TS Vũ Cao Minh (Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong số 10 miệng núi lửa cổ quanh đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển với tính chất rất đa dạng.

tin liên quan

Triệu năm núi lửa Lý Sơn
Đảo Lý Sơn trông xa như một chiến hạm nổi giữa biển. Tiến gần hơn một chút thì thấy “chiến hạm” ấy chứa trong lòng nó 5 “con tàu” nhỏ gồm 5 ngọn núi, mỗi ngọn núi là một miệng núi lửa.
“Các miệng núi lửa lớn gồm: Thới Lới, Giếng Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Đụn là núi lửa phun nổ, nơi dung nham ở dạng đá mảnh, tro bụi bắn tung vào khí quyển. Các miệng núi lửa nhỏ hơn gồm: Hòn Tai, Hòn Vung là núi lửa phun nghẹn, nơi dung nham chứa ít khí, có độ dính cao chỉ kịp trồi lên thành núi và đông nguội, thải khí ra xung quanh”, PGS-TS Vũ Cao Minh giải thích.
Ông Minh cho biết thêm đối với miệng núi lửa ngầm thì miệng núi dưới nước phía nam đảo Lý Sơn khá lớn, nằm dưới mặt biển 40 - 50 m, có rạn san hô và là nơi ẩn mình của các động thực vật biển. Ở phía tây đảo Lớn cũng có miệng núi lửa ngầm nhô cao.
Miệng núi lửa cổ Thới Lới

Ông Minh cho rằng tài nguyên du lịch địa chất ở Lý Sơn là độc đáo và hiếm có. Chẳng hạn, cụm núi lửa từ Thới Lới đến chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, là hai núi lửa chồng nhau. Phía bắc là miệng núi lửa cổ bao gồm cả phần Hang Câu, Chùa Hang, phun nổ sớm, khoảng 9-11 triệu năm trước, phun lên một lượng lớn đá basalt tạo nên phần nền của cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa trẻ, phun nổ cách nay khoảng 1 triệu năm.

Đây là cụm núi lửa độc đáo, phản ánh các chu kỳ hoạt động kiến tạo tích cực của khu vực Lý Sơn. Ngoài ra, các vách đá núi lửa Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền là các di sản địa chất - địa mạo thuộc vào loại kỳ vĩ của thế giới.

Vách đá trầm tích núi lửa Hang Câu là di sản địa chất, địa mạo thuộc loại kỳ vĩ của thế giới HIỂN CỪ

Đáng kể hơn, khu vực Bãi Tiên của đảo Bé, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các vách dung nham dựng đứng, phẳng và mịn kỳ lạ. Đó là vách lộ của các dòng dung nham mỏng và nóng tương tác với nước biển bị nguội lạnh đột ngột trở thành thủy tinh núi lửa. Điều đặc biệt lý thú, các dòng dung nham mỏng này xuất hiện thành nhiều đợt xếp chồng lên nhau, giữa chúng là basalt xốp.

“Cấu tạo này trông tựa như một bánh mì kẹp nhiều lớp thịt với rau sống”, phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Cao Minh ví von và cho biết các nhà khoa học về núi lửa nhận định đây là dạng cấu tạo rất hiếm gặp, chỉ có ở đảo Bé và vài nơi trên thế giới.

Các bãi đá trầm tích ở đảo Bé là nơi thu hút rất đông du khách

Cũng theo ông Minh, tài nguyên du lịch địa chất - địa mạo ở Lý Sơn rất độc đáo và hấp dẫn. "Đây là các di sản có giá trị quốc gia và quốc tế nhưng rất dễ bị tổn thương. Do vậy, cần phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại như hiện nay, đồng thời sớm khoanh vùng di sản để bảo vệ", ông nói.

tin liên quan

Ổ núi lửa mới của thế giới
Các nhà khoa học đã phát hiện một khu vực có mật độ núi lửa trên diện tích lớn nhất thế giới, ở độ sâu trung bình khoảng 2 km từ bề mặt băng ở phía tây Nam cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.