Xe

Vạch kẻ đường màu vàng và màu trắng ở TP.HCM có khác nhau?

20/02/2017 12:10 GMT+7

Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM và các địa phương đang đổi màu sơn của vạch kẻ đường từ trắng sang vàng do Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã thay đổi. Vậy đó chỉ là sự thay đổi đơn giản về màu sắc hay có khác biệt gì về quy định trong xử phạt?

Trên cả nước, nhiều địa phương cũng đang đồng loạt thay đổi vạch kẻ đường màu trắng sang màu vàng. Theo Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ 1.11.2016, vạch kẻ đường màu vàng không dùng riêng cho đường quy định tốc độ từ 60km/h trở lên nữa mà dùng để phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều nhau.
Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM và các địa phương đang đổi màu sơn của vạch kẻ đường từ trắng sang vàng do Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã thay đổi.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết từ 1.11.2016, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, trong đó vạch kẻ đường được quy định tại Chương 10 và Phụ lục G. Theo đó:
- Vạch màu vàng đứt nét : để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau ở những đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.
Vạch màu vàng đứt nét
- Vạch màu vàng liền nét, dạng vạch đơn: dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa. Xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu. Tương tự với đường có từ 4 làn xe trở lên thì dùng vạch màu vàng nét liền, dạng vạch đôi.
Vạch màu vàng liền nét
- Vạch màu vàng 1 liền nét, 1 đứt nét: dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách hai chiều xe chạy, sử dụng ở các đoạn cần thiết phải cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng xe chạy nhất định để đảm bảo an toàn. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được cắt qua vạch.
Vạch màu vàng một nét liền, 1 nét đứt
- Vạch màu vàng đứt nét được sơn trên bó vỉa sát mép mặt đường hoặc sơn trên mặt đường khi không có bó vỉa sát mép mặt đường báo hiệu cấm dừng xe trên đường. Tương tự, vạch kẻ nét liền ở những vị trí trên báo hiệu cấm dừng xe và đỗ xe trên đường.
- Vạch màu trắng đứt nét: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện chuyển làn đường qua vạch
Vạch màu trắng đứt nét
- Vạch màu trắng liền nét các xe không được chuyển làn hoặc sử dụng làn khác, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
Vạch màu trắng liền nét
Mức xử phạt liên quan đến những vi phạm giao thông đối với các lỗi hành vi liên quan đến vạch kẻ đường đều không có gì thay đổi. 
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe. Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông - hiệu lệnh của đèn tín hiệu - hiệu lệnh của biển báo - hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.