Vạch trần cụm công nghiệp 'lụi' 72 ha

22/06/2018 10:00 GMT+7

Gần 60 doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm công nghiệp Phước Tân gửi đơn kêu cứu đến chính quyền Đồng Nai vì đã bỏ vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, xây dựng trên 150.000 m 2 diện tích nhà xưởng để sản xuất, với tổng số công nhân trên 2.000 người, nhưng đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Vì đâu nên nỗi?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, toàn bộ các doanh nghiệp (DN) ở cụm công nghiệp (CCN) Phước Tân (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) xây dựng không phép, bởi bản thân CCN này cũng là “lụi”. Hiện Thanh tra TP.Biên Hòa đang thanh tra toàn diện hoạt động của CCN này để làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng...

Làm trái quyết định của Thủ tướng
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Việt Bảo Minh (gọi tắt là Công ty Việt Bảo Minh) được thành lập ngày 20.6.2015. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 18.8.2015, Công ty Việt Bảo Minh có văn bản về việc xin chủ trương thành lập CCN Phước Tân. Đến ngày 2.12.2015, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc ký, chấp thuận chủ trương thành lập CCN với diện tích hơn 72 ha tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân.

Nhà nước ủng hộ việc sản xuất kinh doanh nhưng với điều kiện anh phải chấp hành đúng pháp luật. Nếu anh coi thường pháp luật thì phải bị xử lý đến nơi đến chốn. Ở đây không phải là chuyện không biết pháp luật mà là làm ăn chụp giựt quá

Một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai

Tiếp đó, ngày 1.4.2016, Công ty Việt Bảo Minh có văn bản về việc đăng ký làm chủ đầu tư CCN Phước Tân. Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa có quyết định thành lập CCN Phước Tân. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh chuyện phân lô, bán nền và hàng chục cơ sở sản xuất, nhà xưởng của các DN tư nhân “mọc” lên không hề có giấy phép xây dựng, hoạt động rầm rộ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, hạ tầng giao thông...
Nghiêm trọng hơn, việc UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc ký, chấp thuận chủ trương thành lập CCN Phước Tân là trái quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Quyết định 734 ngày 27.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2025, phần phát triển KCN, CCN không có tên CCN Phước Tân; danh mục quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, toàn tỉnh có 27 CCN cũng không có CCN Phước Tân.
Chưa hết, vị trí khu đất mà Công ty Việt Bảo Minh đề xuất lập CCN Phước Tân, theo quy hoạch chung TP.Biên Hòa được chính UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt ngày 25.7.2015, có chức năng đất công viên rừng trồng, không phù hợp với mục tiêu thành lập CCN. Thế nhưng, thật khó hiểu khi chỉ chưa đầy 5 tháng sau, UBND tỉnh Đồng Nai lại “nhanh chóng” chấp thuận chủ trương thay đổi quy hoạch do chính mình phê duyệt trên cơ sở Quyết định 734 của Thủ tướng Chính phủ, bất chấp hệ lụy sau này.
Sai phạm cố ý?
Đáng lưu ý, vào thời điểm năm 2015, Sở KH-ĐT Đồng Nai không tán đồng điều chỉnh quy hoạch bổ sung CCN Phước Tân, bởi theo Quyết định 734 ngày 27.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển CCN có xác định chỉ “khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các CCN đã được quy hoạch, xây dựng các CCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về cấp điện, cấp - thoát nước, giao thông, đảm bảo điều kiện về môi trường, hạ tầng kết nối bên trong, ngoài”. Trong khi đó, ngành nghề chủ yếu mà đề án của Công ty Việt Bảo Minh đưa ra, theo đánh giá của Sở, là các ngành dễ phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Sai từ cấp tỉnh, cho thôi chức... chủ tịch xã!
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, liên quan sai phạm nghiêm trọng tại CCN “lụi” Phước Tân, UBND TP.Biên Hòa chỉ mới có quyết định cho ông Mai Tấn Tài thôi chức Chủ tịch UBND xã Phước Tân để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý đất đai, xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn xã.

Sở KH-ĐT cũng khẳng định: “Danh mục quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, toàn tỉnh có 27 CCN được quy hoạch (không có CCN Phước Tân - PV). Tuy nhiên, đến nay còn nhiều CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Riêng TP.Biên Hòa có 6 KCN và 2 CCN đã có quyết định thành lập và đang hoạt động. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện các biện pháp thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng các CCN có trong quy hoạch. Đối với địa bàn TP.Biên Hòa, hiện có nhiều KCN, CCN đang hoạt động nên việc bổ sung quy hoạch phát triển CCN cần phải cân nhắc đến quỹ đất, hạ tầng, nhân lực, an sinh xã hội khi CCN này (CCN Phước Tân - PV) đi vào hoạt động”.
Tuy nhiên, ý kiến của Sở KH-ĐT đã không được tiếp thu.
Cũng từ năm 2015, Sở KH-ĐT khi góp ý thẩm tra đề án, đã có văn bản đề nghị Sở Công thương (đơn vị thẩm tra đề án) và Công ty Việt Bảo Minh làm rõ vị trí và diện tích đất được đề xuất làm CCN Phước Tân, nhưng đề nghị này cũng không được xem xét thấu đáo.
Ngược lại, báo cáo thẩm định của Sở Công thương ngày 24.11.2015, do bà Nguyễn Hòa Hiệp, Giám đốc Sở (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), ký gửi UBND tỉnh Đồng Nai vẫn kiến nghị cho phép thành lập CCN Phước Tân với quy mô hơn 72 ha. Tiếp đó, ngày 21.12.2015, UBND TP.Biên Hòa có văn bản, do Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Lại Thế Thông, ký gửi UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị chấp thuận bổ sung quy hoạch CCN Phước Tân.
Một nội dung mấu chốt để Sở Công thương và UBND TP.Biên Hòa thông qua đề án của chủ đầu tư, đồng thời viện dẫn điều kiện để làm cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch CCN Phước Tân, là Công ty Việt Bảo Minh “đang sử dụng quản lý khoảng 90% trên tổng diện tích đất (hơn 72 ha)”.
Tuy nhiên, có những bất thường liên quan nội dung mấu chốt này. Cụ thể, trong văn bản ngày 15.1.2016 gửi UBND tỉnh Đồng Nai để đăng ký làm chủ đầu tư CCN Phước Tân, Công ty Việt Bảo Minh khẳng định “trong diện tích quy hoạch dự án có khoảng 90% đất dự án thuộc quyền sử dụng đất của chủ đầu tư”.
Đến ngày 19.9.2016, trong văn bản gửi UBND TP.Biên Hòa, Sở Công thương và UBND tỉnh Đồng Nai về việc thành lập CCN Phước Tân, Công ty Việt Bảo Minh “giảm chút ít” khi khẳng định “trong diện tích quy hoạch dự án có khoảng 80% đất dự án thuộc quyền sử dụng đất của chủ đầu tư”. Khi những sai phạm tại CCN Phước Tân vỡ ra, trong văn bản mới đây nhất (ngày 4.6.2018) gửi UBND TP.Biên Hòa và Sở Công thương, Công ty Việt Bảo Minh báo cáo về “tình hình chuyển nhượng đất trong khu vực dự án: tổng số diện tích đất còn lại thuộc quyền sử dụng của công ty: 13,5 ha” (?!).
Hệ lụy rất xấu
Theo một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, tại CCN “lụi” Phước Tân có tình trạng “ăn rã với nhau, ông này cấp giấy phép kinh doanh, ông kia cho câu điện nhưng không hệ thống lại chuyện đất đai xây dựng đó từ đâu mà có. Đáng ra là phải kiểm tra kỹ. Nhà nước ủng hộ việc sản xuất kinh doanh nhưng với điều kiện anh phải chấp hành đúng pháp luật. Nếu anh coi thường pháp luật thì phải bị xử lý đến nơi đến chốn. Ở đây không phải là chuyện không biết pháp luật mà là làm ăn chụp giựt quá”.
Xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất không phép tràn lan tại cụm công nghiệp "lụi" ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ẢNH: ĐÌNH NGUYÊN

Qua rà soát thủ tục đất đai, ngày 13.6, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai khẳng định pháp lý CCN “không có gì” và “rõ ràng đất bị sử dụng sai mục đích, trái quy định pháp luật”. Về tình trạng môi trường CCN bị thả nổi, vị lãnh đạo này tiếp tục khẳng định “sẽ báo cáo UBND tỉnh giải quyết, xử lý một cách kiên quyết, chứ không thể chấp nhận để làm kiểu như thế này rồi ngành TN-MT đi sau dọn dẹp vấn đề ô nhiễm. Đúng ra CCN là phải có hạ tầng hoàn chỉnh, đánh giá tác động môi trường, có hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát khí thải..., nhưng hiện cũng chưa có gì cả”.
Theo hồ sơ, bản đồ quy hoạch chung TP.Biên Hòa tỷ lệ 1/10.000 đã được phê duyệt, chỉ tiêu về quy hoạch cây xanh của TP (bao gồm đất rừng trồng) đã được tính toán, thẩm định theo đúng quy chuẩn đối với đô thị loại 1. Do đó, trong trường hợp điều chỉnh chức năng khoảng hơn 72 ha đất công viên rừng trồng sang làm CCN “lụi” Phước Tân, buộc phải có giải trình cụ thể và có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng...; đồng thời phải hoán đổi vị trí đất tại khu vực khác trên địa bàn có diện tích tương đương để bù lại diện tích đất cây xanh bị giảm. Trên thực tế, hàng chục héc ta cây xanh đã bị triệt hạ, phân lô bán nền để hình thành CCN “lụi” nhưng pháp lý quy hoạch thì dở dang. Và trong văn bản báo cáo về những “lình xình” tại CCN “lụi”, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho rằng đối với quỹ đất khoảng hơn 72 ha là rất lớn nên việc rà soát cân đối vị trí đất khác để hoán đổi bù lại diện tích đất quy hoạch cây xanh “là không khả thi và nằm ngoài khả năng của TP.Biên Hòa”.
Làm trái cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phá vỡ quy hoạch đất đai, môi trường... đẩy hàng chục DN đứng trước nguy cơ phá sản và chính quyền ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu chính quyền tỉnh Đồng Nai hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục cho CCN “lụi” tiếp tục tồn tại sẽ tạo tiền lệ rất xấu trong công tác quản lý nhà nước. Trong trường hợp phải tiến hành cưỡng chế để xử lý các sai phạm, thiệt hại cả ngàn tỉ đồng về kinh tế, đẩy hàng ngàn lao động ra đường... thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đó là chưa nói đến những mất mát không thể đo đếm về niềm tin của DN vào môi trường đầu tư của địa phương... (còn tiếp)
 
Công ty Việt Bảo Minh của ai?
Công ty Việt Bảo Minh được thành lập ngày 20.6.2015, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh DN công ty CP, mã số DN: 3603290512, người đại diện pháp luật là bà Lê Thị Ngọc Hải, chức danh: tổng giám đốc; địa chỉ trụ sở chính: tổ 11, ấp Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Vốn điều lệ của công ty là 390 tỉ đồng, vốn pháp định 6 tỉ đồng, trong đó bà Lê Thị Giàu góp tương ứng 40%, bà Lê Thị Ngọc Hải góp 30%, bà Đào Thị Thoại Châu góp 10% và ông Phạm Hữu Tình góp 20% vốn điều lệ. Tình hình cổ đông của công ty hiện nay: bà Lê Thị Giàu góp tương ứng 80%, bà Đào Thị Thoại Châu góp tương ứng 10% và ông Nguyễn Thành Hậu góp tương ứng 10% tổng vốn điều lệ.
Ngày 11.6, bà Đào Thị Thoại Châu đến tòa soạn Báo Thanh Niên cung cấp cho PV báo cáo của Công ty Việt Bảo Minh gửi UBND TP.Biên Hòa và Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, trong đó tiếp tục kiến nghị lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quy hoạch xây dựng của TP.Biên Hòa; tạo điều kiện, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng... CCN Phước Tân.
Riêng về tình trạng phân lô, bán nền và sự mâu thuẫn về quyền sử dụng đất mà Công ty Việt Bảo Minh báo cáo, là một trong những căn cứ quan trọng nhất để tỉnh Đồng Nai “ra được” chủ trương thành lập CCN Phước Tân vào thời điểm năm 2015, thì bà Châu không trả lời mà đề nghị “để chị Giàu (bà Lê Thị Giàu - PV) trả lời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.